Chiến thuật "mưa" tên lửa của Hamas khiến Vòm Sắt quay cuồng đánh chặn
(Dân trí) - Việc Hamas nã rocket ồ ạt đã thách thức các hệ thống phòng không của Israel khi chiến sự leo thang tại Dải Gaza.
Được đặt tên theo tên của các chỉ huy Hồi giáo đã thiệt mạng và chủ yếu được chế tạo từ các vật liệu tạm bợ bên trong các xưởng bí mật ở Gaza, nhưng rocket của lực lượng vũ trang Hamas và Thánh chiến Hồi giáo từ lâu đã thách thức sức mạnh quân sự vượt trội của Israel.
Các cuộc giao tranh xuyên biên giới đang diễn ra đã cho thấy một chiến thuật mới của các nhóm chiến binh tại Dải Gaza. Các vụ phóng rocket hàng loạt được Hamas thực hiện nhằm khai thác lỗ hổng về tỷ lệ đánh chặn thất bại của các hệ thống phòng không do Israel vận hành, từ đó gia tăng sức mạnh tấn công nhằm vào các thành phố của Israel.
Israel cho biết các chiến binh Hamas đã phóng hơn 3.700 rocket nhằm vào lãnh thổ Israel trong hơn một tuần giao tranh. Các vụ phóng rocket ồ ạt khiến còi báo động được kích hoạt gần như không ngừng nghỉ trong các cộng đồng dân cư của Israel gần biên giới Gaza, khiến hàng chục nghìn người phải tìm nơi trú ẩn. 12 người đã thiệt mạng ở Israel kể từ khi chiến sự bắt đầu leo thang hôm 10/5.
Israel đã không kích dữ dội vào các khu vực đông dân cư ở Gaza, khiến ít nhất 227 người Palestine thiệt mạng, trong đó có nhiều dân thường. Israel cho biết ít nhất 160 chiến binh đã bị giết, trong số đó có các nhà vận hành và sản xuất tên lửa.
Theo các quan chức Israel, trước khi chiến sự bắt đầu, kho vũ khí ở Dải Gaza có khoảng 29.000 rocket hoặc đạn cối, còn bây giờ đã giảm đi một nửa. Cả Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đều chưa xác nhận thông tin này.
"Việc (Hamas) bắn 140 rocket trong vòng vài phút vào Tel Aviv (Israel) và các nơi khác đã thách thức các hệ thống phòng không đặc biệt của chúng ta", Ofir Akunis, một bộ trưởng trong nội các Israel và là cựu phát ngôn viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cho biết hôm 19/5.
Ông Akunis đã đề cập đến hệ thống tên lửa đánh chặn Vòm Sắt mà theo số liệu của Israel, có 90% khả năng bắn hạ thành công các tên lửa mà radar phát hiện đang bay theo quỹ đạo đe dọa các khu vực đông dân cư.
Vòm Sắt được lập trình để bắn 2 tên lửa Tamir đánh chặn một rocket đang bay tới của đối phương, từ đó tăng cơ hội đánh chặn thành công lên khoảng 99%. Tuy nhiên, một tướng không quân Israel cho biết Vòm Sắt hiện nay hầu như chỉ được giới hạn một tên lửa Tamir cho mỗi lần đánh chặn, nghĩa là vẫn còn 10% rocket có thể lọt lưới và xuyên thủng lá chắn của Israel.
"Bạn không thể bắn 280 tên lửa Tamir để đánh chặn hết 140 rocket. Như vậy là quá nhiều", tướng không quân Israel cho biết. Ông cũng nói thêm rằng Israel đang phải "dành dụm" tên lửa - mỗi quả trị giá 50.000 USD - nhưng hiện chưa gặp vấn đề về nguồn cung.
20 năm trôi qua kể từ khi các tay súng Gaza lần đầu tiên nã rocket vào Israel. Những rocket đó có tầm bắn ngắn và đầu đạn nặng vài kg.
Cả lực lượng Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đều tăng cường kho vũ khí bằng các tên lửa được nhập lậu qua Sinai, Ai Cập. Tuy nhiên, sự can thiệp của Ai Cập đã làm tắc nghẽn phần lớn đường dây này.
Theo nguồn tin của cả Israel và Palestine, hiện tại, các chiến binh Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đều sử dụng nguồn tài trợ và cố vấn công nghệ từ Iran để sản xuất rocket ngay tại Gaza với tầm bắn lên tới ít nhất 200 km.
Iran không công khai chi tiết về việc nước này ủng hộ các nhóm vũ trang của người Palestine đối đầu với Israel. Tuy nhiên, Tướng Hossein Salami, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 19/5 rằng, Iran ủng hộ cuộc chiến của người Palestine chống lại Israel.
"Palestine đã nổi lên như một quốc gia được trang bị tên lửa", Tướng Salami cho biết.