1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật "mồi nhử" của Nga khi ồ ạt tập kích cơ sở năng lượng Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định về tính toán của Nga khi tăng cường các vụ tập kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng chủ chốt của Ukraine thời gian qua.

Chiến thuật mồi nhử của Nga khi ồ ạt tập kích cơ sở năng lượng Ukraine - 1

Một tiêm kích của không quân Nga (Ảnh: Aviation).

Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, Nga dường như đang cố gắng lôi kéo hệ thống phòng không của Kiev ra xa khu vực tiền tuyến khi liên tục dồn lực tập kích vào sâu trong lãnh thổ Ukraine thời gian qua, hướng tới các cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự thiết yếu.

Mục tiêu của việc này là tạo ra "mồi nhử" buộc Ukraine phải đưa các lá chắn phòng thủ vào sâu hơn trong lãnh thổ. Từ đó, Nga có thể điều động không quân tấn công dồn dập trên tiền tuyến, đồng thời giảm bớt nguy cơ máy bay bị bắn hạ.

ISW cho biết: "Các lực lượng Nga có thể đang tăng cường các cuộc tấn công nhằm gây áp lực hơn nữa lên Ukraine nhằm kéo các hệ thống phòng không ở tiền tuyến về sâu hơn để Nga tăng cường hoạt động của không quân yểm trợ cho lực lượng mặt đất".

Nga trong thời gian qua tăng cường ném bom lượn thông minh xuống các vị trí của Ukraine trên tiền tuyến, gây ra thiệt hại nghiêm trọng và khí tài và nhân lực cho đối phương.

Nhờ bom lượn ném dồn dập phía trên, lực lượng mặt đất Nga đã có thể tiến nhanh trên tiền tuyến trong vài tuần qua. Giới quan sát cho rằng các quả bom lượn với sức công phá dữ dội đang giúp Nga tạo ra sự khác biệt. 

Tuy nhiên, Ukraine đã kết hợp khá linh hoạt giữa hệ thống phòng thủ từ thời Liên Xô và của phương Tây tạo ra một "lưới lửa". Ukraine nhiều lần tuyên bố bắn rơi các tiêm kích thả bom của Nga. Dù Moscow chưa lên tiếng về thông tin này, nhưng Nga cũng có sự cẩn trọng nhất định khi triển khai không quân.

Ukraine nói rằng Nga trong vòng chưa đầy một tuần đã trút xuống tiền tuyến bằng 700 quả bom lượn, loại vũ khí thực sự chỉ có thể bị đánh bại bằng cách tiêu diệt máy bay mang theo chúng.

Bom lượn giúp Nga có ưu thế trên không, một yếu tố quan trọng nếu Moscow muốn chọc sâu hơn vào phòng tuyến đối phương. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là Nga phải giảm mối đe dọa với tiêm kích ném những quả bom này.

Ukraine có thể có chiến thuật ngăn chặn Nga không kích hiệu quả nhưng họ đối mặt với 2 vấn đề lớn: Thiếu hệ thống phòng không và tên lửa phòng không.

Việc Nga bắn ồ ạt UAV và tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Ukraine buộc Kiev phải đưa ra lựa chọn khó khăn: Dồn lực ưu tiên cho tiền tuyến hay hậu phương khi nguồn lực của họ chỉ có giới hạn.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu Ukraine không có đủ hệ thống phòng không, lực lượng không quân Nga có thể nhanh chóng phát huy sức mạnh của mình.

Justin Bronk, một chuyên gia Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết nếu Ukraine không thể ngăn cản Nga kiểm soát bầu trời một cách hiệu quả, họ sẽ có thể thất bại nhanh chóng.

Ví dụ, hồi tháng 2, Nga đã kiểm soát được không phận phía trên thành trì Avdiivka và từ đó giành được pháo đài kiên cố này. ISW cảnh báo, nếu Nga tiếp tục làm được việc này ở những khu vực khác, hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine