1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật dùng máy bay chiến đấu làm mồi nhử của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine thừa nhận Nga đang sử dụng chiến thuật mồi nhử nhằm khiến phòng không của phía Kiev lộ diện để tấn công.

Chiến thuật dùng máy bay chiến đấu làm mồi nhử của Nga - 1

Một tiêm kích của Nga (Ảnh minh họa: Quân đội Nga).

Alexei Dmitrashkovsky, người đứng đầu bộ phận báo chí của nhóm tác chiến Tavria thuộc quân đội Ukraine, nhận định rằng Không quân Nga đang có sự thay đổi chiến thuật, dường như chủ động tấn công hơn so với trước đây.  

Theo ông Dmitrashkovsky, không giống trước đây khi các máy bay chiến đấu của Nga thường thực hiện các cuộc tuần tra chiếm ưu thế trên không nhằm phòng thủ, Moscow bắt đầu sử dụng chiến thuật mồi nhử để loại bỏ phòng không Ukraine.

Ví dụ, trong một vụ việc, Nga đã điều 2 máy bay chiến đấu có nhiệm vụ xuất kích để thu hút Ukraine kích hoạt hệ thống phòng thủ, sau đó phi cơ quân sự thứ 3 xuất hiện để tấn công.

Từ tháng 11/2022, sau khi Nga rút quân khỏi thành phố Kherson, các tiêm kích của Moscow có xu hướng tăng cường phòng thủ. Chúng chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không dọc theo mặt trận, nhằm ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân Ukraine tấn công lực lượng mặt đất của Nga đồng thời hỗ trợ quân nhân Moscow tác chiến phía dưới.

Nga thường dùng tiêm kích Su-35S và Su-30SM hoặc MiG-31 bay tuần tra bên trên để bao quát toàn bộ tiền tuyến. Các tiêm kích này được trang bị tên lửa không đối không, hoặc tên lửa chống radar có nhiệm vụ tấn công tổ hợp phòng không của Ukraine.

Ở lớp dưới, máy bay ném bom Su-34, cường kích Su-25, trực thăng tấn công Mi-28, Mi-35, Ka-52 tập kích mục tiêu mặt đất của Ukraine.

Theo ông Dmitrashkovsky, nếu như giai đoạn trước, Nga tác chiến khá cẩn trọng, thì trong thời gian qua, các tiêm kích của Moscow đã không còn bay ngoài tầm của phòng không Ukraine. Tiêm kích Nga bay vào vùng không phận tranh chấp, khiến các lá chắn của Ukraine kích hoạt và lộ vị trí để phi cơ khác tấn công. Quan chức Ukraine cho hay, Nga dường như đang chấp nhận rủi ro cao hơn để có thể loại bỏ các lá chắn phòng không của Kiev.

Theo Eurasian Times, Nga chọn phương án này vì Ukraine đang thiếu tên lửa phòng không, và tiêm kích Moscow thường bay ở độ cao trung bình cũng như được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử giúp tránh né hỏa lực của Kiev hiệu quả hơn. Các chuyên gia nhận định, Nga dường như cho rằng, rủi ro này là chấp nhận được và đã tới lúc họ cần chủ động hơn trong chiến sự. Nga chưa bình luận về thông tin này.

Ngoài ra, theo ông Dmitrashkovsky, ngoài dùng tiêm kích có người lái, Nga có phương án tập kích giảm thiểu rủi ro hơn thông qua sự kết hợp giữa 2 loại UAV cảm tử. Kịch bản sẽ là Nga kích hoạt UAV Geran-2 bay vào không phận tranh chấp để phòng không Ukraine kích hoạt. Sau đó, UAV tự sát Lancet sẽ tấn công các hệ thống này.

Mặt khác, Nga cũng tăng cường sử dụng bom lượn như UPAB-1500B, PBK-500U Drel và Grom. Những quả bom này có tầm bắn khoảng 60km và chứa từ 500-1.500 kg thuốc nổ gây ra sức công phá lớn. Ukraine lúc này đối mặt với thế khó, nếu phòng không không đánh chặn bom, nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, nếu các lá chắn kích hoạt, Nga gần như chắc chắn sẽ tập kích vào các tổ hợp này.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine