Chiến thuật của phi công Ukraine trong màn cận chiến dưới hỏa lực Nga
(Dân trí) - Phi công Ukraine đã kể về những chiến thuật được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Nga trong các cuộc giao tranh từ trên không.
Ba trực thăng Mi-8 cất cánh từ một căn cứ bí mật ở Ukraine và bay ở độ cao thấp để chuẩn bị cho trận chiến kéo dài ở Bakhmut nhằm vào các mục tiêu của Nga.
Khi đến gần thành phố miền Đông Ukraine, từng trực thăng đột ngột bay lên, phóng rocket vào mục tiêu, lao mạnh rồi quay trở lại căn cứ, lướt trên mặt đất.
Phi công Petro đã kể lại sau nhiệm vụ kéo dài 30 phút rằng, mục tiêu của trực thăng Ukraine là "một tuyến công sự của đối phương bao gồm binh lính trên mặt đất, xe bọc thép và kho vũ khí".
Công sự nằm gần thành phố Severodonetsk mà quân đội Nga đã kiểm soát vào mùa xuân năm ngoái, ở phía đông bắc của Bakhmut. Bakhmut cũng là nơi binh lính Ukraine gần như bị bao vây, nhưng vẫn cầm cự được trong bối cảnh cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề.
Kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự hơn một năm trước, các phi công trực thăng Ukraine đã lái những chiếc Mi-8 cũ kỹ và những chiếc Mi-24 lớn hơn trong các nhiệm vụ chiến đấu hàng ngày.
Mới 23 tuổi, nhưng Petro cho biết đã thực hiện khoảng 50 nhiệm vụ chiến đấu.
Khi trực thăng của Petro được tiếp nhiên liệu và lắp tên lửa mới, phi công Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công mới nhất vào buổi sáng từ một căn cứ bí mật.
"Trước chuyến bay, chúng tôi chọn đường bay, sử dụng các ứng dụng đặc biệt để giữ trực thăng ở độ cao thấp nhất có thể. Ví dụ, nếu chúng tôi thấy độ cao 180m là quá cao, chúng tôi tìm những nơi thấp hơn và sẽ bay ở độ cao 130m, 100m. Mục đích bay thấp để không bị radar của Nga phát hiện và họ không biết rằng chúng tôi đang đến", Petro nói, trong chiếc áo trùm đầu che kín trừ đôi mắt.
Một camera của hãng tin AFP đã được lắp trong buồng lái trực thăng, ghi lại những thước phim về nhiệm vụ chiến đấu của phi công Ukraine.
"Khi chúng tôi cách mục tiêu 6.200m, chúng tôi nghiêng 20 độ... sau đó chúng tôi phóng tên lửa, 15 quả mỗi bên", Petro kể lại.
Trong video, ngay khi khai hỏa, các tên lửa bắn ra từ chiếc Mi-8 để lại một cột khói đen phía sau. Trực thăng ngay lập tức lao vào một khúc cua hẹp sang trái và hạ độ cao để bay về căn cứ.
Những chiếc Mi-8 khác, mỗi chiếc gồm một phi công và phi công phụ, lần lượt khai hỏa. Lộ trình trở về khác với lộ trình xuất kích "để không rơi vào bẫy" của các hệ thống phòng không Nga.
Ở tiền tuyến, các đơn vị bộ binh được thông báo về thời điểm trực thăng tấn công, sau đó họ triển khai máy bay không người lái để kiểm tra kết quả. Nếu mục tiêu chưa bị bắn trúng, một cuộc tấn công khác dựa trên dữ liệu đã điều chỉnh sẽ diễn ra sau đó.
"Khi bắt đầu xung đột, chúng tôi không có máy bay không người lái. Khi đó, các nhiệm vụ phức tạp hơn và kém hiệu quả hơn. Nhưng vào mùa hè, chúng tôi bắt đầu nhận được máy bay không người lái và các thiết bị khác. Hiện tại, chúng tôi hoạt động hiệu quả hơn", Petro thừa nhận.
Nhiệm vụ khó khăn nhất
Nhiệm vụ khó khăn nhất của Petro diễn ra vào ngày 6/3 năm ngoái tại tỉnh Mykolaiv ở phía nam.
"Chúng tôi có 4 trực thăng và mục tiêu là một đoàn xe quân sự dài đang trên đường đến nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia (nhà máy lớn nhất ở châu Âu và hiện do Nga kiểm soát)", Petro nói.
"Chúng tôi nhìn thấy mục tiêu cách đó khoảng 2km. Chúng tôi đã báo cáo rằng mục tiêu không di chuyển, nhưng thực tế là đoàn xe đang di chuyển và chúng tôi đột nhiên nhìn thấy", Petro nhớ lại.
Các trực thăng Ukraine sau đó bị tấn công.
"Hai trực thăng của chúng tôi bị phá hủy, chiếc thứ ba bị hư hại và tôi may mắn ngồi trên chiếc thứ tư. Tôi không bị trúng đạn... chỉ có hai trực thăng trở về căn cứ", Petro nói thêm.
Một nguồn tin quân sự cho biết khoảng 30 phi công trực thăng Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra.
"Vấn đề khó khăn nhất là khâu chuẩn bị, quyết định sẽ làm gì và bay theo hướng nào để tiếp cận mục tiêu, vì chúng tôi không biết hết tình hình trước khi bay và không thể chắc chắn được điều gì. Tuy nhiên mọi nỗi sợ hãi đều tan biến khi chúng tôi bước vào trận chiến", phi công Ukraine nhấn mạnh.
"Một khi bạn khởi động động cơ, nỗi sợ hãi sẽ biến mất vì chúng tôi đã được huấn luyện để làm công việc đó và chúng tôi tin vào bản thân, tin vào quyết định của mình. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu chuyến bay mà không sợ hãi", Petro chia sẻ.
Petro mơ ước được lái trực thăng tối tân Black Hawk của Mỹ, nhưng phi công Ukraine không đánh giá thấp dòng Mi-8, cho rằng: "Nó không hoàn hảo, nhưng vẫn hoạt động tốt và chúng tôi hiểu rõ về nó".