DNews

Chiến sự Ukraine xoay chuyển ra sao khi Tổng thống Biden dừng tranh cử?

Thành Đạt

(Dân trí) - Quyết định chấm dứt chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến Ukraine lo ngại, trong bối cảnh Kiev đang cần viện trợ quân sự từ Mỹ để đối phó đà tiến công của Nga.

Chiến sự Ukraine xoay chuyển ra sao khi Tổng thống Biden dừng tranh cử?

Ngày 21/7, Tổng thống Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, đồng thời ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ đối đầu với ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump.

Triển vọng chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump từ lâu đã khiến Ukraine lo ngại. Ukraine tính toán rằng, sau khi lên nắm quyền, ông Trump có thể sẽ hạn chế viện trợ quân sự và buộc Kiev phải đàm phán hòa bình theo các điều khoản có lợi cho Nga.

Mặc dù đảng Dân chủ hy vọng quyết định của Tổng thống Biden về việc từ bỏ cuộc đua và ủng hộ Phó Tổng thống Harris sẽ tiếp thêm năng lượng cho chiến dịch tranh cử, song vẫn chưa rõ liệu điều đó có ảnh hưởng gì tới nỗ lực tranh cử của ông Trump hay không.

Trong khi đó, tại Moscow, các quan chức cho rằng việc Tổng thống Biden rút lui sẽ không ngăn cản Nga đạt được mục tiêu trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Giới chức Nga cũng không đưa ra ý kiến về việc liệu việc ông Biden dừng tranh cử có tạo ra sự khác biệt đối với mối quan hệ giữa Nga và Mỹ hay không, mặc dù cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Vladimir Putin từng dành cho nhau những lời khen ngợi trong nhiều năm qua.

"Chúng tôi không có nhiệm vụ đánh giá các quyết định của tổng thống Mỹ. Đây là điều mà cử tri Mỹ nên quan tâm", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng quyết định của Tổng thống Biden sẽ không thay đổi chiến lược của Nga tại Ukraine.

"Các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine) vẫn sẽ đạt được", ông Medvedev nhấn mạnh.

Chiến sự Ukraine xoay chuyển ra sao khi Tổng thống Biden dừng tranh cử? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng năm 2023 (Ảnh: Reuters).

Tại thủ đô Kiev, người dân Ukraine đang theo dõi diễn biến mới nhất của cuộc bầu cử Mỹ, sự kiện có thể quyết định tương lai của đất nước họ.

"Tôi yêu mến ông Biden vì ông ấy ủng hộ Ukraine. Ông ấy đã gửi cho chúng tôi sự hỗ trợ quan trọng cho cuộc chiến khi chúng tôi cần", Mykyta Kolesnikov, quản lý doanh nghiệp rửa xe, cho biết.

Tuy nhiên Kolesnikov, 21 tuổi, cho biết anh hiểu rằng ông Biden phải nhường bước để đảng Dân chủ đưa ra một ứng cử viên mạnh mẽ hơn.

"(Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky nói rằng ông ấy có thể làm việc với ông Trump, nhưng sẽ rất khó để Ukraine làm việc với ông Trump và đội ngũ của ông ấy", Kolesnikov nhận định.

Yulia Loginova, một cư dân Kiev, cho biết bà không thể dự đoán việc ông Biden rút lui sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Ukraine.

"Thành thật mà nói, tôi không biết. Mỗi ngày đều có điều bất ngờ. Nhưng ông ấy đã làm đúng", Loginova nói.

Theo Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, việc ông Biden rút lui "làm thay đổi kịch bản của chiến dịch", nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng điều này sẽ làm thay đổi cục diện bầu cử tổng thống Mỹ.

"Nếu điều đó khiến đảng Dân chủ có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn, Ukraine sẽ vui mừng. Tôi nghĩ chính quyền bà Harris sẽ không khác nhiều so với chính quyền ông Biden", chuyên gia O'Brien nhận định.

Tại Quảng trường Độc lập của Kiev, Sadik, một binh sĩ, khẳng định Ukraine không thể giành chiến thắng "nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ". "Đó là sự thật. Họ có số lượng lớn nhất về vũ khí, tầm ảnh hưởng và mọi thứ", người lính Ukraine nói.

Tuy nhiên, theo Sadik, nếu Mỹ cung cấp nhiều viện trợ hơn, "cuộc chiến đã kết thúc từ lâu rồi". Binh sĩ Ukraine dự đoán chính quyền ông Trump sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

"Nếu ông Trump thắng, sẽ có rất ít hoặc không có vũ khí", Sadik nói, đồng thời cho biết ông lo ngại Ukraine sẽ buộc phải nhượng bộ để chấm dứt xung đột, trong bối cảnh quân đội Nga đang dần giành được lợi thế trên chiến trường.

Cựu Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố ông có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ, nhưng Kiev cho rằng bất kỳ giải pháp nào như vậy cũng sẽ đi kèm với các điều khoản có lợi cho Nga.

Việc ông Trump chọn Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance, một người phản đối viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, làm ứng cử viên phó tổng thống thậm chí gây ra nhiều lo ngại hơn.

Tổng thống Zelensky đã thừa nhận trong chuyến thăm Anh gần đây rằng việc đối phó với ông Trump sẽ rất khó khăn, nhưng ông cũng cho biết Ukraine không "ngại nỗ lực". Nhà lãnh đạo Ukraine và ông Trump đã trao đổi với nhau qua điện thoại trong một cuộc gọi mà cả hai bên đều mô tả hiệu quả.

Ông Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Biden vì "sự ủng hộ vững chắc" và "những bước đi táo bạo" của ông trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

"Tình hình hiện tại ở Ukraine và toàn bộ châu Âu không kém phần thách thức, và chúng tôi chân thành hy vọng rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ liên tục của Mỹ sẽ ngăn chặn hành động của Nga", ông Zelensky bình luận trên mạng xã hội X.

Tuy nhiên, sự cảm kích của Ukraine đối với Mỹ lại pha lẫn sự thất vọng trước những hạn chế do Washington đặt ra liên quan tới vũ khí viện trợ cho Kiev.

Chiến sự Ukraine xoay chuyển ra sao khi Tổng thống Biden dừng tranh cử? - 2

Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga (Ảnh: Reuters).

Khi Nga tăng cường tập kích vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine, chính quyền Zelensky đã hối thúc chính quyền Biden cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.

Kiev muốn nhắm vào các địa điểm, thường là xa biên giới, mà Moscow sử dụng để phát động các cuộc không kích vào Ukraine. Tuy nhiên, Washington đã không cho phép vì lo ngại xung đột có thể leo thang.

"Ukraine khá thất vọng với ông Biden. Sự do dự của ông Biden dẫn đến cái giá phải trả là cơ sở hạ tầng của Ukraine bị phá hủy, dân thường Ukraine thiệt mạng và thương vong không đáng có trên chiến trường", Edward Lucas, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu cho biết.

"Vì vậy, mặc dù ông Trump có thể tệ hơn… nhưng việc tiếp tục đường lối của ông Biden đã khá ảm đạm rồi", chuyên gia Lucas nhận định.

Một số thành viên cấp cao của đảng Dân chủ đã nhanh chóng ủng hộ bà Harris trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Về chính sách đối ngoại, các tuyên bố công khai của bà đều tương đồng với Tổng thống Biden.

Bà đã phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 rằng, "Tổng thống Joe Biden và tôi ủng hộ Ukraine" và cam kết sẽ "nỗ lực bảo đảm nguồn cung vũ khí cũng như nguồn lực quan trọng mà Ukraine rất cần".

Heather Hurlburt, một cựu quan chức chính quyền Biden hiện làm việc tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, cho biết bà Harris đóng vai trò "dẫn đầu và trung tâm trong chính sách về Ukraine" và có khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi cùng một lộ trình như Tổng thống Biden.

Theo dự đoán của Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov, quyết định rút khỏi cuộc đua của Tổng thống Biden sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc xung đột Ukraine.

"Tuyên bố của Tổng thống Biden chắc chắn sẽ có những tác động chính trị quốc tế nghiêm trọng, trước hết là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các chính trị gia sẽ ngày càng khó giải thích với cử tri rằng tại sao đất nước họ lại chi hàng tỷ USD để hỗ trợ cho một cuộc xung đột quân sự ở Đông Âu xa xôi", Đại sứ Gryzlov nói.

Ông Gryzlov cho biết gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine "chỉ vừa mới được thông qua và không phải được chấp thuận ngay từ lần đầu tiên". Nhà ngoại giao Nga cho rằng, việc thông qua các gói viện trợ như vậy trong tương lai "sẽ khó khăn hơn nhiều, nếu không muốn nói là không thể".

"Bằng cách từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Biden đã tự tước đi của mình và đảng Dân chủ những đòn bẩy ảnh hưởng đối với giới tinh hoa. Từ nay về sau, ảnh hưởng của ông Biden đối với các chính trị gia và thể chế cả bên trong nước Mỹ cũng như trên trường quốc tế sẽ suy giảm nhanh chóng. Đối với toàn bộ chính quyền Kiev và đặc biệt là đối với (Tổng thống) Zelensky, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng", ông Gryzlov cảnh báo.

Theo đại sứ Nga, trong những tháng tới, Mỹ, nước viện trợ chính cho Ukraine, sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề chính trị trong nước và cuộc đua bầu cử. Ukraine sẽ bị loại khỏi chương trình nghị sự. Không ứng cử viên nào vẫn tích cực vận động hành lang để có được gói viện trợ hàng tỷ USD cho Kiev "từ túi của người nộp thuế Mỹ vào giữa chiến dịch".

Ông Gryzlov nhận định, Liên minh châu Âu (EU) và NATO sẽ chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ "trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nghiêm túc nào",

"Ngay cả trong kịch bản tốt nhất cho chính quyền Ukraine, tức là nếu Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự và ngân sách, điều tốt nhất mà giới lãnh đạo Ukraine, Mỹ và NATO có thể đạt được là trì hoãn phần nào bước tiến của Nga trong việc đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Sự trở lại của Donald Trump

Chiến sự Ukraine xoay chuyển ra sao khi Tổng thống Biden dừng tranh cử? - 3

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên phó tổng thống, thượng nghị sĩ J.D. Vance (Ảnh: Reuters).

Sau khi Tổng thống Biden tuyên bố dừng tranh cử và quay sang ủng hộ "phó tướng" Kamala Harris, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tin rằng bà Harris dễ bị đánh bại hơn.

Các quan chức Ukraine đã dành nhiều tháng để tính toán xem, viễn cảnh ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay có thể tác động như thế nào đến cuộc xung đột với Nga.

"Về cơ bản, 8-10 tháng đầu tiên của năm 2025 sẽ rất khó khăn", một quan chức cấp cao của Ukraine nói với tạp chí Time.

Ông Trump được dự đoán sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine và hối thúc Tổng thống Zelensky chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Nga. Giống như các tổng thống Mỹ trước đó, ông Trump cũng có thể tìm cách thiết lập lại mối quan hệ với Tổng thống Putin khi bắt đầu nhiệm kỳ mới.

"Theo thời gian, ông Trump sẽ thấy rằng ông Putin không đáng tin cậy", quan chức Ukraine nói.

Theo quan chức Ukraine, điều quan trọng hơn là ông Trump cuối cùng sẽ nhận ra rằng, "ông Putin không thể không quan tâm đến ông Trump và chương trình nghị sự của ông ấy".

"Đó là lúc chúng ta có thể bắt đầu thấy một số lợi thế từ ông Trump. Ông ấy sẽ không muốn bị ông Putin chơi đùa", quan chức Ukraine nói thêm.

Trong giới tinh hoa chính trị của Ukraine, những hy vọng như vậy về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump đã thu hút sự chú ý trong những tháng gần đây. Đây là kết quả từ việc đội ngũ của Tổng thống Zelensky đã nhận ra các cơ hội và thể hiện sự tự tin, bất kể tình hình của họ có tồi tệ đến đâu.

Quan điểm của họ về ông Trump cũng được định hình bởi sự thất vọng âm ỉ ở Kiev với cách Tổng thống Biden phản ứng với cuộc xung đột.

Trong hai năm qua, Tổng thống Zelensky và các đồng minh của ông thường phàn nàn rằng, dưới thời Tổng thống Biden, phản ứng của Mỹ đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine quá chậm, quá do dự và bị phân tán vì lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng của Nga.

Ngày càng nhiều người trong số họ tin rằng nếu ông Trump lên nắm quyền và vào một thời điểm nào đó quyết định hỗ trợ Ukraine, sự ủng hộ của Mỹ sẽ trở nên quyết đoán hơn.

Trong số những người đưa ra dự đoán này có Boris Johnson, cựu Thủ tướng Anh, người gần đây đã gặp ông Trump tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa.

"Sau khi nói chuyện với Donald Trump tuần này, tôi càng tin tưởng chắc chắn rằng ông ấy có đủ sức mạnh và lòng dũng cảm để giải quyết vấn đề, để cứu Ukraine, để mang lại hòa bình và ngăn chặn sự lây lan thảm khốc của cuộc xung đột. Dù các thành viên khác của đảng Cộng hòa nói gì về Ukraine trước đây, tôi vẫn tin ông Trump hiểu được thực tế rằng, sự thất bại của Ukraine sẽ là sự thất bại lớn đối với Mỹ", ông Johnson bình luận.

Cựu Thủ tướng Johnson, người mà Tổng thống Zelensky coi là đồng minh châu Âu thân cận nhất kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, không phải là người duy nhất đưa ra những nhận định như vậy về ông Trump.

Phần lớn thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ nhiều gói viện trợ cho Ukraine, gần đây nhất là vào tháng 4, khi Quốc hội phê duyệt thêm 61 tỷ USD viện trợ cho Kiev. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa có quan điểm truyền thống vẫn kiên định với cam kết giúp Ukraine giành chiến thắng trước Nga.

Khi công bố người đồng hành tranh cử, ông Trump đã chọn thượng nghị sĩ J.D. Vance, một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất sự can dự của Mỹ vào Ukraine. Tuy nhiên, một số người ở Kiev vẫn hy vọng rằng ông Vance, với vai trò là phó tổng thống Mỹ, có thể thay đổi lập trường theo thời gian.

"Ông ấy giống như một con lắc. Lập trường của ông ấy dao động từ bên này sang bên kia", một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, đồng thời lưu ý rằng trước đây, ông Vance từng là một trong những người chỉ trích ông Trump gay gắt nhất trong đảng Cộng hòa, nhưng cuối cùng cả hai lại sát cánh cùng nhau trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong nỗ lực giành được sự ủng hộ của ông Trump và ông Vance, Ukraine cũng đang trông chờ vào sự giúp đỡ từ các đối tác của họ tại châu Âu và từ tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ, nơi sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc tiếp tục sản xuất vũ khí cho Ukraine.

"Họ có thể giải thích với ông Trump tại sao điều này lại mang lại lợi ích cho nhiều người ở Mỹ, đặc biệt là tại các bang đỏ. Nó tạo ra việc làm và hỗ trợ nền kinh tế", một quan chức cấp cao cho biết.

Trong những tháng gần đây, khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong các cuộc thăm dò được cải thiện, Tổng thống Zelensky và đội ngũ của ông đã nỗ lực củng cố mối quan hệ với các đồng minh tại Quốc hội Mỹ cũng như những người thân cận với chiến dịch tranh cử của ông Trump.

"Chúng tôi không thể đứng về bên nào, nhưng chúng tôi cần tạo ra sự cân bằng hơn giữa họ", một quan chức cấp cao khác của Ukraine tiết lộ.

Một mối liên hệ tiềm năng với vòng tròn thân cận của ông Trump về Ukraine là Mike Pompeo, người từng giữ chức giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ông Pompeo, người tuyên bố sẵn sàng đảm nhiệm một vị trí cấp cao trong chính phủ nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, đã gặp Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, ít nhất hai lần trong năm nay.

Tuy nhiên, xét đến sự bất ổn của cuộc đua vào Nhà Trắng, một số đồng minh thân cận của Tổng thống Zelensky muốn tránh tiếp cận trực tiếp với chiến dịch tranh cử của bất kỳ bên nào. Rủi ro khi chọn nhầm ứng viên tổng thống là quá cao. "Không ai biết điều gì sẽ xảy ra", quan chức Ukraine nói với Time.

Thành Đạt

Theo Guardian, Tass, Time, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine