1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược khác biệt của Trump và Biden nhằm "đấu" với Trung Quốc

An Bình

(Dân trí) - Ông Trump và ông Biden có kế hoạch đối phó với Trung Quốc rất khác nhau, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng dù tổng thống Mỹ tiếp theo là ai đi nữa thì họ cũng sẽ không “nương nhẹ” với Bắc Kinh.

Chiến lược khác biệt của Trump và Biden nhằm đấu với Trung Quốc - 1

Ứng viên tổng thống Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump (Ảnh; Reuters)

Tại văn phòng ở thành phố Mexico City, nơi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, điện thoại của Samuel Campos liên tục rung lên khi các công ty gọi đến tìm cách chuyển sản xuất tới Mexico.

“Kể từ khi thỏa thuận thương mại được ký kết năm nay, hoạt động của chúng tôi đã tăng khoảng 30-40%”, Campos, giám đốc điều hành một công ty tư vấn bất động sản thương mại vừa nói vừa chỉ vào Hiệp định thương mại US-Mexico-Canada, có hiệu lực kể từ tháng 7 năm nay.

Những người gọi điện thoại đến công ty ông Campos chủ yếu là người Mỹ và châu Âu đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc để tránh các đòn thuế hoặc để tiếp cận gần hơn tới thị trường khách hàng của họ. Nhưng trong những tháng gần đây, các công ty Trung Quốc cũng gọi đến, tất cả đều muốn quản lý các chi phí và sự biến động đi kèm với việc xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ những ngày này.

“Các công ty này cần một chuỗi cung ứng ở Bắc Mỹ vì giờ đây họ không muốn mất các hợp đồng ở phía bắc biên giới”, ông Campos nói. Và Hiệp định thương mại 3 nước đã giúp thuyết phục họ rằng Mexico là một bệ phóng tốt tới Mỹ hơn là Trung Quốc.

Trên thực tế, đó không phải là một xu hướng mới.

Ngành công nghiệp cấp thấp đã và đang rời Trung Quốc, nơi chi phí ngày càng đắt đỏ, trong khoảng một thập niên qua. Một công ty tư vấn toàn cầu đã theo dõi sự dịch chuyển trong việc dịch chuyển các sản phẩm nhập khẩu do Mỹ chế tạo từ Trung Quốc sang các quốc gia chi phí thấp hơn tại châu Á. Vào năm 2013, Trung Quốc chiếm 67% các sản phẩm nhập khẩu này, nhưng con số đó đã rơi xuống 56% vào cuối năm 2019.

Các công ty công nghệ cao hơn trong lĩnh vực điện tử và ô tô giờ đây đang dẫn đầu xu hướng đa dạng hóa. Các tập đoàn Foxconn và Pegatron của Đài Loan - đều là các nhà cung cấp lớn cho hãng công nghệ Mỹ Apple - hiện đang nhắm tới việc mở các nhà máy ở Mexico để giúp "né" các nguy cơ từ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang nổi lên giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Và không cần biết là ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, xu hướng trên dự kiến sẽ vẫn tiếp tục.

Các chính phủ - trong đó có Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ -  đang ưu tiên giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, phù hợp với các chính sách mà cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là Joe Biden (ứng viên đảng Dân chủ) và Donald Trump (ứng viên đảng Cộng hòa) đã công bố.

Các nhà nghiên cứu dự đoán, trong những năm tới, có tới 26% xuất khẩu toàn cầu - trị giá 4,6 nghìn tỷ USD vào năm 2018 - có thể dịch chuyển, dù là nó có liên quan tới việc đưa sản xuất trở lại trong nước, gần biên giới hay mở các nhà máy mới tại các địa điểm mới.

Công ty tư vấn Boston ước tính, thương mại 2 chiều giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 15%, tương đương 128 tỷ USD, so với năm 2019.

Các chuỗi cung ứng của thế giới được dự đoán sẽ ngắn hơn và bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, dù ưu thế của nước này trong lĩnh vực sản xuất khiến việc loại bỏ hoàn toàn khỏi Trung Quốc là không thể.

Do đó, dù ai nhận chìa khóa tại Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới cũng sẽ làm như vậy giữa lúc nền kinh tế thế giới đang mất cân bằng, và sự phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc là trung tâm.

Các quan điểm tranh cử của cả Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump và đối thủ Joe Biden đều nhắc tới tranh cãi này.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng thay đổi ở mức độ nào và cách thức thay đổi ra sao sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc ai sẽ là tổng thống Mỹ 4 năm tới.

Ông Trump sẵn sàng "đấu tay đôi" với Trung Quốc

Chiến lược khác biệt của Trump và Biden nhằm đấu với Trung Quốc - 2

Ông Trump đã cứng rắn với Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ tổng thống (Ảnh: Reuters)

Cả hai ứng viên đều theo đuổi các kế hoạch nhằm đưa về nước các chuỗi cung ứng thuốc và y tế quan trọng và cả hai đều cố gắng giảm tối đa sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích cho rằng ông Trump nhiều khả năng muốn thúc đẩy việc này độc lập với các đồng minh của Mỹ, trong khi ông Biden dự kiến sẽ thúc đẩy cách tiếp cận đa phương hơn.

“Tôi đồng tình rằng cả ông Trump và Biden đều nói về việc gia tăng việc làm trong ngành sản xuất tại Mỹ và gia tăng khả năng chống chịu với các cú sốc toàn cầu, trong đó có các vấn đề quan trọng nhất đối với cử tri, như Covid-19”, Emily Blanchard, một chuyên gia về các chuỗi cung ứng toàn cầu tại Trường kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth ở New Hampshire nói.

“Nhưng ngoài các điểm đang được nói tới, chiến lược tổng thể có thể hoàn toàn khác nhau. Ông Trump đang thực hiện một chiến lược đơn phương mạnh mẽ, nói rằng chúng ta sẽ tự mình làm điều đó”, chuyên gia trên nói thêm.

Cách tiếp cận của ông Trump đã được nêu ra trong bài phát biểu nhân Ngày Lao động hôm 7/9, trong đó ông cam kết thưởng cho các công ty sản xuất tại Mỹ và trừng phạt các công ty sản xuất tại Trung Quốc.

“Chúng ta sẽ lập ra ra các khoản tín dụng thuế sản xuất tại Mỹ và đưa việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ, và chúng ta sẽ áp thuế lên các công ty rời bỏ Mỹ để tạo việc làm ở Trung Quốc và các nước khác. Nếu chúng ta không thể làm điều đó ở đây, hãy để họ trả một khoản phí lớn để xây dựng nó ở một nơi khác và gửi tiền về nước”, ông Trump nói.

Cương lĩnh tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông Trump nói rằng các công ty sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị loại khỏi các hợp đồng liên bang. Cương lĩnh chỉ nhắc tới một lần duy nhất các đồng minh của Mỹ, theo “Chính sách ngoại giao Mỹ là trên hết”, nơi “các đồng minh sẽ nhận các phần xứng đáng”.

Đó sẽ là sự tiếp nối các chính sách của ông Trump trong 4 năm qua, trong đó ông đã cố gắng một mặt đối phó với Trung Quốc, nhưng mặt khác lại làm "mếch lòng" các đồng minh bằng các đòn thuế quan và những lời cảnh báo.

Một nỗ lực của chính quyền Trump là Mạng lưới thịnh vượng kinh tế, được khởi động hồi tháng 5, trong đó chính quyền Mỹ kết nối với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc… trong nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các hàng hóa chế tạo.

“Các quốc gia đã thức tỉnh và chứng kiến nền kinh tế của họ bị phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng rối rắm”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach nói trong một bài phát biểu hồi tháng 7, bàn về mạng lưới trên. “Thế giới đã suy nghĩ về điều đó và đã đến lúc mọi người thảo luận về nó”.

Nhưng 4 tháng kể từ khi kế hoạch trên được phát động, các nhà chỉ trích cho hay không có mấy tiến triển. Dù các quốc gia như Nhật Bản đã đổ tiền cho các nỗ lực nhằm hút các công ty ra khỏi Trung Quốc, ông Trump vẫn chưa chi tiền và phần lớn vẫn đơn thuần tiến hành các biện pháp trừng phạt.

“Mạng lưới thịnh vượng kinh tế chưa làm được gì. Nếu họ chi tiền giống như Nhật Bản đã làm, họ đã có thể tìm cách gây sức ép đối với các công ty nhằm rời khỏi Trung Quốc”, Eric Miller,  chủ tịch Nhóm chiến lược Rideau Potomac và là một cựu cố vấn của chính phủ Canada, nhận định. “Có cây gậy và củ cà rốt và ông Trump luôn dùng gậy vì ông thích hình ảnh khua gậy”.

Ông Biden muốn lập liên minh đối phó Trung Quốc

Chiến lược khác biệt của Trump và Biden nhằm đấu với Trung Quốc - 3

Ông Biden muốn lập liên minh toàn cầu đối phó Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Nhưng ông Biden đã cho thấy ông ấy cũng không ghét việc khua gậy. Gần đây ông đã công bố một kế hoạch nhằm dùng thuế phụ thu để trừng phạt các công ty đưa việc làm và sản xuất ra nước ngoài với mục đích bán hàng và dịch vụ trở lại Mỹ.

Mặc khác, ông Biden cũng nói rằng các công ty mở lại các nhà máy đã đóng cửa tại Mỹ sẽ được giảm thuế 10%. Ở góc độ này, không có nhiều sự khác biệt giữa 2 ứng viên, vốn đều cam kết phục hồi khẩn cấp lĩnh vực sản xuất của Mỹ.

Mặc dù vậy, không giống ông Trump, ông Biden đã cam kết không chỉ thực hiện điều đó một mình, mà sẽ phối hợp với các nhà ngoại giao từ các đồng minh lâu năm của Mỹ, nhiều trong số họ thừa nhận rằng họ không nhìn thấy sự ủng hộ của ông Trump và sẽ bắt đầu tự xây dựng một liên minh nhằm chống lại Trung Quốc.

Các cuộc phỏng vấn với hàng chục học giả, cố vấn, quan chức và các nhà kinh tế gần đây cho thấy ông Biden muốn thúc đẩy một nỗ lực toàn cầu nhằm đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.

Trong khi ông Trump chỉ nhắc tới các đồng minh của Mỹ một lần trong chương trình nghị sự tái tranh cử thì 2 trong số các tài liệu chính sách chuỗi cung ứng và kinh tế của ông Biden đề cập tới các đồng minh 17 lần.

Bài toán không dễ

Chiến lược khác biệt của Trump và Biden nhằm đấu với Trung Quốc - 4

Kết quả thăm dò cho thấy phần lớn các công ty Mỹ chưa muốn rời Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)

Nhưng dù ai chiến thắng cuộc bầu cử cũng phải giải quyết các thực tại kinh tế về việc tái bố trí sản xuất về Mỹ. Nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ bị sụt giảm mạnh, trong khi rất ít công ty có thể chịu được việc sản xuất tại nước này.

“Suy cho cùng, nền kinh tế cần phải hoạt động. Với dịch Covid-19, mọi thứ trong chuỗi cung ứng - do các biện pháp giãn cách xã hội tại các nhà máy, việc đa dạng nhà máy trên các địa điểm - đều trở nên đắt đỏ hơn”, Patrick Van den Bossche, một chuyên gia về tái bố trí sản xuất về nước, cho biết.

“Và quan trọng nhất là, bạn đến Mỹ và chi phí lao động trên mỗi đơn vị rất cao - đó là một quyết định đầu tư không dễ dàng”.

Cùng lúc đó, nhiều công ty chỉ đơn giản là không muốn rời Trung Quốc và có thể khó để buộc họ làm như vậy.

Một cuộc thăm dò gần đây có Phòng thương mại công nghiệp Mỹ chi nhánh tại Thượng Hải thực hiện cho thấy 92,5% người nói không có kế hoạch rời đi hoàn toàn và chỉ 5% có kế hoạch trở lại Mỹ. Hơn một nửa những người được hỏi nói họ muốn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để tiêu thụ tại thị trường nội địa khổng lồ của nước này, vì vậy ý tưởng trở về nước không tồn tại với họ.

Elizabeth Baltzan, một quan chức thương mại của Mỹ dưới thời các cựu tổng thống Barack Obama và Bush “con”, cho rằng ông Biden sẽ mang đến một cuộc tranh luận với ông Trump về chủ nghĩa hiện thực, nhưng ông cũng sẽ chịu áp lực phải đưa ra chính sách công nghiệp để cạnh tranh với Trung Quốc.

“Nó không phải là về việc xây dựng lại những gì chúng ta đã có vào những năm 50, đó là một sự đánh giá chiến lược về những ngành công nghiệp mà Mỹ cần đưa trở lại, và các ngành công nghiệp cần đa dạng hóa để chúng không bị tập trung quá mức tại Trung Quốc”, Baltzan nói. “Có những lo ngại rằng nếu Trung Quốc thực thi chính sách “Chế tạo tại Trung Quốc” năm 2025 như cách mà Trung Quốc thực thi chính sách thép, năng lượng và nhôm, Mỹ không thể có các ngành công nghiệp bền vững trừ khi có một dạng chạy đua hỗ trợ nào đó”.

Trung Quốc tranh thủ thời cơ

Chiến lược khác biệt của Trump và Biden nhằm đấu với Trung Quốc - 5

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới có chuyến đi quan trọng tới 5 nước châu Âu hồi cuối tháng 8 để tìm kiếm sự ủng hộ giữa lúc quan hệ vơi Mỹ căng thẳng (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc rõ ràng lo ngại về nguy cơ một liên minh các đồng minh dưới thời Biden. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm nhằm “quyến rũ” châu Âu gần đây, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với 3 nhà lãnh đạo của châu Âu hồi tuần này rằng ông có ý định xúc tiến một hiệp ước đầu tư song phương có thể giúp bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư châu Âu tại Trung Quốc.

Trong đại dịch Covid-19, các nhóm kinh doanh tại Trung Quốc cho biết các quan chức chính phủ địa phương đã và đang nỗ lực nhằm đảm bảo rằng các công ty đầu tư nước ngoài cảm thấy thoải mái ở đó, và các mức độ việc làm không bị ảnh hưởng bởi một cuộc di cư ồ ạt.

“Khuynh hướng phân tách kinh tế trong các chuỗi cung ứng và lĩnh vực công nghệ là khó tránh khỏi, và bất kỳ nước nào cũng lo ngại về điều đó, đặc biệt là Trung Quốc, vốn có nhiều công ty nước ngoài”, Wei Zongyou, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), nói. “Nếu họ rời đi, đó sẽ là một tin xấu đối với chính phủ Trung Quốc, và nước này cần hành động nhiều hơn nữa để cung cấp một sân chơi bình đẳng và cải thiện môi trường kinh doanh”.

Nhưng nếu ông Trump tái đắc cử, điều đó có thể tạo ra một dạng áp lực khác. Nếu ông hành động đơn phương trong nhiệm kỳ 2, nhiều người lo ngại điều này có thể khiến Mỹ và Trung Quốc tiến gần tới một cuộc chiến tranh và tác động hơn giữa tới trật tự thương mại toàn cầu.

Năm ngoái, các học giả và quan chức Trung Quốc thường nói họ muốn nhìn thấy ông Trump tại nhiệm thêm 4 năm, và một người thậm chí cho rằng ông Trump đang “làm tổn hại” nước Mỹ. Nhưng giờ đây, khi căng thẳng leo thang, họ đã thay đổi quan điểm.

Chuyên gia Wei nói ông dự đoán ông Trump sẽ tái đắc cử, nhưng nhấn mạnh rằng dù tổng thống Mỹ tiếp theo là ai đi chăng nữa thì họ cũng sẽ không “nương nhẹ” với Trung Quốc.

“Nói cách khác, chúng ta sẽ đối mặt với 4 năm khó khăn hơn ở phía trước”, ông Wei nói.