1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump đang dùng chiến thuật 2016 để "đấu" với Joe Biden?

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Tổng thống Trump được cho là đang sử dụng những chiến thuật vốn mang lại thắng lợi trong cuộc bầu cử 2016 để lấy lại lợi thế và giành chiến thắng trong bầu cử vào ngày 3/11 tới.

Ông Trump đang dùng chiến thuật 2016 để đấu với Joe Biden? - 1

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Cuộc đua "song mã" giữa đại diện Cộng hòa Donald Trump và đối thủ Dân chủ Joe Biden và bước vào chặng nước rút, trong bối cảnh hai đảng đã tiến hành đại hội. 

Sau đại hội đảng Cộng hòa, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump có sự bứt phá và thu hẹp cách biệt với ông Biden. Cuộc thăm dò 27/8, ông Trump đã thu hẹp 4 điểm phần trăm, với 44% cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông (trước đại hội là 42%), 50% ủng hộ Biden, giảm so với 52% trước đó. Một cuộc thăm dò Hill-HarrisX cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong số các cử tri da màu đã đăng ký tăng lên 24% trong cuộc khảo sát ngày 22-25/8 so với 15% trong cuộc khảo sát ngày 8-11/8.

Theo Morning Consult, ông Trump đã bứt phá ngoạn mục, thậm chí xuất sắc hơn sau đại hội đảng Cộng hoà năm 2016. Khi đó, ông đã vượt qua đối thủ Hillary Clinton 2 điểm trước đại hội để dẫn trước bà 4 điểm sau sự kiện. Một điểm khác biệt chính trong cuộc đua năm đó là 16% số cử tri vẫn chưa quyết định sau đại hội đảng Cộng hoà, so với 7% trong cuộc khảo sát ngày 28/8 vừa qua.

Sự trở lại “chiến thuật” năm 2016

Các chuyên gia cho rằng, ông Trump không chỉ tìm cách tăng tỷ lệ ủng hộ cho mình bằng các biện pháp đối phó với Covid-19, mà còn sử dụng những chiến thuật vốn mang lại kết quả ở lần bầu cử cách đây 4 năm.

Năm 2016, ông Trump sử dụng lợi thế “độc quyền” trong tranh cử, đó là các chính sách kinh tế, nhấn mạnh mục tiêu tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng việc áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, thương thảo lại các hiệp định thương mại và khuyến khích chuyển hoạt động kinh doanh từ nước ngoài về Mỹ, mang việc làm trở lại cho người Mỹ.

Năm nay, ông Trump cũng nhấn mạnh vào những tín hiệu tích cực từ tỷ lệ thất nghiệp và thị trường chứng khoán Mỹ để thuyết phục cử tri rằng ông là ứng viên phù hợp nhất có khả năng khôi phục nền kinh tế. Trong cuộc khảo sát của CNN, ông Trump dẫn trước Biden 5 điểm trong lĩnh vực kinh tế, 51% người được hỏi cho rằng ông Trump xử lý vấn đề này tốt hơn ông Biden. Cuộc khảo sát của Fox News thì tỷ lệ này là 45% cho Trump và 42% cho Biden.

Khai thác sự đối lập giữa cánh hữu và cánh tả, tấn công và chia rẽ đảng Dân chủ, làm mất uy tín đối thủ là những "quân bài" mà ông Trump sử dụng thành công trong lần bầu cử trước. Giờ đây, ông Trump chỉ trích chính sách di dân, “cấp tiến” của đảng Dân chủ, mô tả ông Biden là người “thiên tả”, “ngủ gật”, ủng hộ da màu, chỉ trích chính sách đối với Trung Quốc và cách làm việc trước đây của ông Biden về quyền dân sự.

Trong vận động bầu cử, ông Trump luôn giữ thái độ lạc quan, bộc lộ tính cách độc đáo, thích gây ấn tượng mạnh khiến người khác ghi nhớ, tạo sức hấp dẫn cử tri. Bốn năm trước, ông Trump gây chiến với hãng tin, chế nhạo cựu hoa hậu. Năm nay, khi nước Mỹ đang phải căng mình đối phó với Covid-19, Tổng thống Trump vẫn nói rằng “Covid-19 sắp biến mất”, kinh tế Mỹ hồi sinh...

Ông Trump giành chiến thắng năm 2016 một phần nhờ việc tập trung vào các cử tri da trắng thuộc tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động. Hiện tại ông đang làm mọi cách để chinh phục cử tri bình dân da trắng và có thể nhờ vào thành phần cử tri này để tái đắc cử. Ông Trump cũng tấn công cả vào “lãnh địa” đảng Dân chủ, đánh vào bưu điện, cắt ngân sách để làm khó cử tri đảng này nhằm lật ngược thế cờ tại các bang mà cử tri hai bên có tỷ lệ tương đồng.

Những buổi vận động cử tri trực tiếp và tổ chức các cuộc mít tinh được cho là chiến lược tranh cử hiệu quả của ông Trump tiếp tục được sử dụng. Do dịch Covid-19, không thể áp dụng “sở trường”, ông Trump vẫn cố gắng tái hiện không khí của các buổi gặp gỡ cử tri bằng cách để những người ủng hộ gặp ông tại các sự kiện của mình, chẳng hạn như sự kiện giao lưu với những tín đồ Phúc âm trẻ ở Phoenix, Arizona, vài lần xuất hiện gần đây của ông ở Florida và Ohio.

Một trong những “vũ khí” của Trump là tập trung mạnh mẽ vào các mối quan tâm của cử tri, từ vấn đề tội phạm cho tới quan hệ với Trung Quốc và vấn đề nhập cư, các trọng tâm chiến lược từng giúp ông Trump chiến thắng cuộc bầu cử năm 2016. Thông điệp đó một lần nữa được lặp lại, khi ông Trump tuyên bố ông là “tổng thống của pháp luật và trật tự”, là tổng thống sẵn sàng hành động và luôn đặt “Nước Mỹ trên hết”, tái khẳng định cam kết đem lại thỏa thuận công bằng cho nước Mỹ, tiếp tục có những quyết định cứng rắn nhất với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay không giống 4 năm về trước, khi đó, ông Trump là người “ngoài cuộc”, vì vậy, chỉ tập trung vào việc phê phán thành quả cầm quyền của Obama/Biden. Hiện tại, ông Biden mới là người “nổi dậy”, còn ông Trump là Tổng thống đương nhiệm, chẳng khác gì phải giải trình về những kết quả cầm quyền trong nhiệm kỳ sắp kết thúc.

Chờ đợi tranh luận

Vào ngày 29/9 tới đây sẽ diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên trong 3 cuộc tranh luận tổng thống Mỹ. Phần lớn các cử tri đều cho rằng các cuộc tranh luận này rất hữu ích hoặc phần nào hữu ích giúp họ đưa ra quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.

Kết quả một cuộc khảo sát của USA Today và Đại học Suffolk cho thấy, nhiều cử tri Mỹ dự đoán ông Trump sẽ thắng ông Biden trong các cuộc tranh luận với tỷ lệ 47% so với 41%. Ở nhóm cử tri độc lập cũng có nhiều người cho rằng ông Trump sẽ thắng ông Biden với tỷ lệ là 46% và 37%. Trong khi 87% cử tri đảng Cộng hòa cho rằng ông Trump sẽ chiến thắng thì 79% cử tri đảng Dân chủ dự đoán ông Biden sẽ dẫn trước trong các cuộc tranh luận.

Cũng có ý kiến cho rằng, với một đại dịch toàn cầu, nền kinh tế suy giảm và bất ổn dân sự, ông Trump là Tổng thống đương nhiệm phải đối mặt với nhiều thách thức nhất ở cuối nhiệm kỳ thứ nhất và đang chạy đua để tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Nhưng lịch sử nước Mỹ cho thấy, các đảng của tổng thống đương nhiệm thường không vượt qua những thách thức lớn.

Bằng chứng là trong cuộc bầu cử đầu tiên trong thời kỳ Đại Suy thoái (1932), đảng Dân chủ giành lại được cả Nhà Trắng và Thượng viện từ tay đảng Cộng hòa. Năm 1968, cuộc bầu cử chứng kiến sự bất ổn dân sự, đảng Cộng hòa đã thắng tại quốc hội. Năm 2020 kết hợp cả 3 thách thức nói trên và chưa có gì chắc chắn về khả năng tái đắc cử của ông Trump, dù các đương kim tổng thống thường có lợi thế hơn khi tái tranh cử.

Tuy nhiên, với tính cách “khác lạ”, khó đoán định của ông Trump, một kết quả bất ngờ vào ngày 3/11 tới vẫn không bị loại trừ.