1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến lược "đặt cược" của Nga tại Afghanistan

Đức Hoàng

(Dân trí) - Khác với sự vội vã của Mỹ và phương Tây khi sơ tán nhân sự khỏi Afghanistan, sự bình tĩnh của Nga tới lúc này cho thấy họ đã chuẩn bị từ lâu cho kịch bản Taliban cầm quyền.

Chiến lược đặt cược của Nga tại Afghanistan - 1

Các thành viên của Taliban bên trong dinh tổng thống Afghanistan (Ảnh: AP).

Ngày 15/8, Taliban khép lại chiến dịch quân sự chớp nhoáng khi tiến vào Kabul và giành quyền kiểm soát đất nước từ chính phủ Afghanistan thân phương Tây. Taliban chỉ mất vài ngày để chiếm giữ hàng loạt thành phố lớn và thành trì cuối cùng Kabul khiến nhiều nước, trong đó có Mỹ bất ngờ. Washington thậm chí thừa nhận đã tính toán sai vì cho rằng Taliban phải mất vài tháng nữa mới có thể giành được quyền lực.

Nga hiện vẫn đang coi là Taliban là tổ chức khủng bố và cũng chưa công bố bất cứ kế hoạch nào để thừa nhận tính chính danh của nhóm vũ trang này tại Afghanistan.

Tuy nhiên, vào ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Nga thông báo họ đã thiết lập đầu mối liên lạc với Taliban, lực lượng mà Moscow mô tả là "bắt đầu khôi phục trật tự công cộng" ở Kabul và trên khắp Afghanistan.

Vào cuối tuần, khi Mỹ hối hả di tản nhà ngoại giao và nhân viên người Afghanistan rời khỏi đất nước, Nga tuyên bố rất rõ ràng là sẽ không sơ tán đại sứ quán ở Kabul. Đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Afghanistan Zamir Kabulov nói rằng, ông vẫn đang liên lạc với đại sứ quán Nga và các nhà ngoại giao vẫn đang bình tĩnh quan sát tình hình.

Trong thông báo phát đi ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, việc Taliban lên nắm quyền xảy ra là "kết quả của việc lực lượng vũ trang Afghanistan, vốn được Mỹ và đồng minh huấn luyện, hầu như không có bất cứ sự phản kháng nào" với Taliban.

Sự bình tĩnh của Nga trái ngược cách đây 3 thập niên, khi chính quyền Afghanistan thân Moscow sụp đổ và Nga phải chật vật sơ tán các nhà ngoại giao. Điểm mấu chốt ở đây là Nga đã nhận được cam kết của Taliban rằng họ sẽ bảo vệ an ninh cho đại sứ quán Nga, điều cho thấy Moscow đã mở đường dây thông tin liên lạc với nhóm vũ trang khi Taliban tiến vào Kabul.

Chiến lược "đánh cược" của Nga

Giới quan sát không ngạc nhiên về điều này. Với tư cách là người được ông Putin "chọn mặt gửi vàng", ông Kabulov trong những năm qua dường như đã chủ trương thi hành chính sách tiến gần hơn với Taliban nhằm "một mũi tên trúng hai đích", vừa để chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực và chuẩn bị trước cho kịch bản chính phủ Afghanistan thân phương Tây sụp đổ. Về mặt ngoại giao, Bộ Ngoại giao Nga từng mời Taliban tham gia hội nghị ở Moscow, động thái làm tăng vị thế quốc tế của nhóm này.

Ông Kabulov hôm 16/8 nhận định, việc Moscow cố gắng thiết lập quan hệ với Taliban trong nhiều năm qua tới nay đã cho thấy nỗ lực này là không vô ích.

"Chúng tôi từng dự đoán rằng kể cả trong kịch bản Taliban không nắm quyền lực tuyệt đối ở Afghanistan thì họ cũng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tương lai của đất nước này", ông Kabulov nói.

Chuyên gia độc lập về Trung Á Arkady Dubnov cho rằng, Nga đang hưởng thành quả khi "ván cược" Moscow đặt vào Taliban đã thực sự có hiệu quả. Tình hình thực tế ở Kabul cho thấy, Nga không bày tỏ sự nao núng trước Taliban, trái ngược hoàn toàn với các nước phương Tây.

Việc Mỹ rút chân khỏi Afghanistan sau 20 năm sa lầy tại đây mang lại cho Nga cơ hội tái khẳng định vị thế của họ trong khu vực. Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng ưu tiên của Nga là khẳng định lại ảnh hưởng chính trị và quân sự của họ với các nước láng giềng Trung Á, nhấn mạnh rằng việc Nga gần đây tổ chức các cuộc tập trận với Uzbekistan và Tajikistan gần biên giới Afghanistan.

"Nga không sơ tán đại sứ quán ở Kabul. Họ giữ liên lạc với Taliban và quan sát tình hình. Trong khi đó, họ tập trận với Uzbekistan và Tajikistan tại khu vực. Với Nga, vấn đề chính lúc này không phải là ai nắm quyền ở Kabul mà là liệu những phần tử cực đoan có xâm nhập vào Trung Á hay không. Vào lúc này, kịch bản này dường như khó xảy ra", ông Trenin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng chỉ ra rằng, sự trỗi dậy của Taliban cũng có thể mang tới cho Nga những thách thức ở sân sau của Moscow, nơi có thể xảy ra những thay đổi nhanh chóng, khó lường. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo một cuộc khủng hoảng di cư có thể xảy ra và gây mất ổn định ở khu vực vốn dễ bị tổn thương.