Chỉ huy Ukraine: Kiev khó phản công nếu thiếu vũ khí tịch thu từ Nga
(Dân trí) - Một chỉ huy bộ phận cơ khí trên tiền tuyến của Ukraine cho rằng cuộc phản công của Kiev sẽ khó có thể thực hiện nếu thiếu các vũ khí tịch thu được từ Nga.
New York Times ngày 15/8 dẫn lời "Hammer", lãnh đạo bộ phận phụ trách vũ khí và bảo trì của lữ đoàn 35 Thủy quân lục chiến Ukraine, cho biết cuộc phản công của Kiev sẽ khó thực hiện nếu thiếu đi các vũ khí tịch thu từ Nga.
"Nếu không có các phương tiện thu giữ từ Nga, chúng tôi sẽ không thể tiếp tục cuộc phản công", Hammer thừa nhận.
Theo ông, lữ đoàn 35 đã thu được hơn 20 phương tiện của Nga trong 6 tuần kể từ khi bắt đầu phản công. Trong số các vũ khí này, có xe tăng T-72 uy lực và 8 phương tiện chiến đấu đa năng mà lữ đoàn chưa từng sở hữu trước đây.
"Sau một vài ngày, phương tiện đã quay lại tiền tuyến", ông nói, nhấn mạnh quá trình sửa chữa nhanh chóng và tái sử dụng vũ khí của Ukraine.
Tuần trước, khi trả lời báo Đức DW, đại tá quân đội Ukraine Oleksandr Saruba cho hay, Kiev đang sử dụng hàng trăm hệ thống vũ khí nước này tịch thu của Nga để chống lại lực lượng Moscow trên chiến trường.
Ông Saluba, người đang công tác ở trung tâm quân sự Ukraine chuyên tiếp nhận và phân tích vũ khí thu được từ Nga, Kiev đã tịch thu của Moscow hơn 800 hệ thống pháo, phương tiện bọc thép và các vũ khí khác kể từ khi chiến sự bùng phát, trong đó có 300 xe tăng.
Ông Saruba nhấn mạnh, trong số các vũ khí Ukraine thu giữ của Nga có xe tăng T-72. Ngoài ra, Kiev cũng tịch thu từ Moscow các hệ thống tên lửa Grad khi Ukraine phản công vào mùa thu năm ngoái ở phía bắc và phía đông.
Đại tá Ukraine cho hay, Kiev sau đó sẽ sửa chữa một số vũ khí bị hỏng, mổ xẻ để thu thập thông tin về kỹ thuật quân sự. Một số lượng vũ khí sẽ được đưa trở lại chiến trường để đối phó với Nga.
"Nga đang cạnh tranh với các nước phương Tây để cung cấp vũ khí cho Ukraine", Đại tá Saruba nói, ám chỉ việc Ukraine thu giữ được lượng lớn vũ khí từ Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Michael Kofman cho rằng, mặc dù các nhà máy sửa chữa của Ukraine hoạt động liên tục, nhưng không phải vũ khí nào của Moscow cũng có thể tái sử dụng.
Ví dụ, một số vũ khí chứa công nghệ hiện đại chỉ Nga mới có thể sản xuất nên Ukraine sẽ gặp khó trong việc tìm linh kiện thay thế phù hợp để sửa chữa.
"Vì vậy, trên lý thuyết, bạn có thể tịch thu được nhiều vũ khí, nhưng bạn không có động cơ hay hộp số, hay các linh kiện để chúng có thể hoạt động", ông giải thích.
Ngoài ra, theo giới quan sát, các vũ khí của Nga cung cấp các thông tin tình báo quan trọng cho Ukraine và phương Tây liên quan tới công nghệ mà Moscow sử dụng.
Ukraine bắt đầu phản công Nga nhằm giành lại lãnh thổ từ đầu tháng 6, tuy nhiên Kiev phải đối mặt với các phòng tuyến kiên cố của Nga gồm nhiều lớp vững chắc, có chiều sâu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, tiến độ chậm chạp của cuộc phản công là do chiến dịch bắt đầu muộn hơn dự kiến và tình trạng thiếu vũ khí, đạn dược. Ukraine nhiều lần kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí để Kiev có thể giữ được nhịp độ trên tiền tuyến.