1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Châu Âu lao vào "cuộc đua" lấp lỗ hổng viện trợ quân sự của Mỹ ở Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Châu Âu đang tăng cường hỗ trợ cho Ukraine khi lo ngại việc Mỹ không phê duyệt viện trợ mới có thể khiến Kiev mất thế đứng trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, viện trợ có thể không đến kịp.

Châu Âu lao vào cuộc đua lấp lỗ hổng viện trợ quân sự của Mỹ ở Ukraine - 1

Bên trong khu sản xuất đạn pháo của công ty Rheinmetall, Đức (Ảnh: Getty).

Các quốc gia phương Tây như Đức, Na Uy, Anh đang tăng cường sản xuất vũ khí, đặc biệt là đạn pháo, để giúp Ukraine, nhưng số viện trợ này không thể đến kịp trong mùa đông năm nay khi mà cuộc phản công của Ukraine đang bị đình trệ.

Đức, từng là quốc gia chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine, cách đây một tuần đã tuyên bố có kế hoạch tăng gấp đôi khoản hỗ trợ, lên mức 8,5 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ cung cấp thêm các hệ thống phòng không quan trọng hơn vào cuối năm nay cho Kiev.

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chuẩn bị đào tạo thêm 10.000 binh sĩ Ukraine, nâng tổng số cho đến nay lên 40.000 người.

Tại một diễn đàn trong tháng này tại Viện nghiên cứu Clingendael, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói: "Chúng tôi thực sự phải đẩy mạnh hoạt động của mình ở đây".

Tuy nhiên, tất cả những điều đó có thể không khiến Kiev cảm thấy an tâm hơn, nhất là trong bối cảnh cuộc phản công đã bị đình trệ, còn mùa đông tới gần, và các quan chức cho biết hiện tại nước này cần thêm rất nhiều hỗ trợ nhanh chóng, ngay cả khi nhiều quốc gia chuyển sự chú ý sang cuộc chiến Israel - Gaza.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại, EU dường như sẽ thất bại trong cuộc thử nghiệm ban đầu về khả năng duy trì ủng hộ cho Ukraine. Cam kết quan trọng về việc hỗ trợ 1 triệu viên đạn pháo cỡ nòng 155mm trong vòng 1 năm cho Ukraine giờ đây được cho là sẽ không thành công.

"Sẽ không thể đạt 1 triệu quả đạn, chúng tôi phải thừa nhận điều đó", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói đồng thời thừa nhận rằng, EU sẽ bỏ lỡ thời hạn vào tháng 3 tới.

Các quan chức châu Âu từ lâu đã lo lắng việc đảng Cộng hòa ở Mỹ ngày càng phản đối việc chính phủ hỗ trợ quân sự cho Ukraine (cho tới nay Mỹ đã hỗ trợ 45 tỷ USD vũ khí và các thiết bị khác cho Ukraine) sẽ khiến Washington mất đi vai trò dẫn đầu trong kế hoạch hỗ trợ cho Kiev nếu Tổng thống Biden thất cử trong cuộc đua vào năm 2024.

Châu Âu lao vào cuộc đua lấp lỗ hổng viện trợ quân sự của Mỹ ở Ukraine - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp ở Washington hồi tháng 9 (Ảnh: NYT).

Những lo ngại đó càng trở nên gay gắt hơn trong tháng này do đảng Cộng hòa tại Hạ viện không thông qua kế hoạch viện trợ khẩn cấp trị giá 105 tỷ USD của Tổng thống Biden cho một số cuộc khủng hoảng trên thế giới, bao gồm khoảng 61,4 tỷ USD cho Ukraine.

Chỉ có một kịch bản là: trừ khi hoặc cho đến lúc bế tắc ngân sách được giải quyết, các quan chức ở Washington và Kiev sẽ phải cân nhắc cách tốt nhất để chi 4,9 tỷ USD còn lại cho hỗ trợ an ninh đã được phê duyệt trước đó cho Kiev nếu đó là nguồn tài trợ cuối cùng của Mỹ trong tương lai gần.

"Những nước châu Âu, vốn có đủ phương tiện cần thiết để làm như vậy, phải sẵn sàng giúp đỡ Ukraine về mặt chính trị và vật chất, đồng thời phải tiếp tục làm như vậy, thậm chí thay thế Mỹ nếu có thể, khi sự ủng hộ của Washington giảm đi", ông Josep Borrell Fontelles, đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại cho biết.

Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022 đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu sửng sốt, nhận ra rằng quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng của họ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột ở sân sau.

Khi phát biểu tại diễn đàn Clingendael, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nói rằng đó là một "sự thức tỉnh thô lỗ" nhưng lại là động thái giúp thống nhất hầu hết châu Âu đứng sau Ukraine, vốn được coi là vùng đệm giữa Nga và NATO.

"Nếu phương Tây ngừng hỗ trợ, sẽ không còn Ukraine và không còn cấu trúc an ninh châu Âu nữa", Yonatan Vseviyov, nhà ngoại giao hàng đầu của Estonia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 17/11.

Một số nước châu Âu cũng đã có phản ứng.

Mặc dù không nhất trí hỗ trợ dành cho Ukraine, Slovakia đã tuyên bố sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Kiev còn Hungary đang cố gắng ngăn cản các nỗ lực mới của EU trong việc ủng hộ quân sự cho Kiev. Trong ngày 17/11, Hà Lan, Phần Lan và Lithuania đều công bố hỗ trợ quốc phòng mới. Số tiền lớn nhất đến từ chính phủ Hà Lan, cam kết gửi cho Kiev hơn 2,1 tỷ USD vào năm 2024.

Chính phủ Bỉ cũng tuyên bố sẽ cấp cho Ukraine gần 1,85 tỷ USD vào năm tới từ việc đánh thuế số tiền thu được từ các tài sản bị phong tỏa của Nga hiện được các tổ chức tài chính có trụ sở tại nước này nắm giữ.

Tổng thống Zelensky đã ca ngợi kế hoạch của Berlin nhằm tăng gấp đôi hỗ trợ quân sự cho cuộc xung đột, đồng thời cho biết "mối quan hệ giữa Ukraine và Đức sẽ trở thành một trong những trụ cột đáng tin cậy nhất của toàn châu Âu".

Theo dữ liệu do Viện Kiel công bố từ tháng 7, Đức hiện là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine. Châu Âu cũng cam kết sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một trong những loại vũ khí mà nước này cần nhất: đạn pháo cỡ nòng 155mm và là xương sống của quân đội Ukraine.

Trong chuyến thăm Kiev tuần này, tân Ngoại trưởng Anh David Cameron nói với Tổng thống Zelensky rằng "Anh sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự mà các bạn cần không chỉ trong năm nay, năm sau mà tới chừng nào còn cần thiết".

Viện trợ không thể tới kịp trong mùa đông

Bất chấp những cam kết đã đưa ra, EU sẽ không thể đạt mục tiêu cung cấp một triệu viên đạn pháo cho Ukraine trước tháng 3/2024, do lượng đạn pháo và các thiết bị  cơ bản khác của châu Âu sắp cạn kiệt.

Thực tế là, dù Kiev rất cần nhưng số viện trợ này không thể đến kịp trong mùa đông giữa lúc cuộc phản công của Ukraine đang bị đình trệ.

Châu Âu lao vào cuộc đua lấp lỗ hổng viện trợ quân sự của Mỹ ở Ukraine - 3

Binh lính Ukraine ở vùng Zaporizhia (Ảnh: EPA).

Các nhà sản xuất cho biết họ đang cố gắng tăng sản lượng. Công ty Đức Rheinmetall, một trong những nhà sản xuất đạn dược lớn nhất phương Tây với ước tính đến cuối năm 2024 sẽ đạt công suất ít nhất 600.000 quả đạn 155mm một năm, tăng so với mức 450.000 trước đó.

BAE Systems, nhà thầu quốc phòng lớn của Anh, đặt mục tiêu tăng sản lượng đạn pháo 155mm năm 2025 lên gấp 8 lần mức trước chiến sự, nhưng không nêu số lượng cụ thể. Các nhà sản xuất đạn dược khác ở châu Âu, bao gồm Nammo ở Na Uy và Nexter ở Pháp, đang tăng sản lượng thêm hàng chục nghìn quả đạn.

Chỉ một số loại đạn cuối cùng được sản xuất ở cả Mỹ và châu Âu mới được gửi đến Ukraine khi các đồng minh xây dựng lại kho dự trữ của riêng họ. Nhưng tăng cường sản xuất là bước cần thiết đầu tiên để cung cấp cho Ukraine và củng cố an ninh châu Âu.

Ông Grand, hiện làm việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết khả năng một ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa sẽ đánh bại ông Biden là nguyên nhân chính dẫn đến thực tế ở châu Âu như hiện nay trong việc nỗ lực tìm cách lấp lỗ hổng viện trợ cho Washington để lại. 

"Chúng ta cần phải có tư duy về khả năng đó. Và những quyết định đó cần phải được đưa ra ngay bây giờ , không phải khi cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử", ông Grand nói.

Theo New York Times