Châu Âu họp khẩn trước nguy cơ bị gạt khỏi đàm phán hòa bình Ukraine
(Dân trí) - Cuộc họp được cho là sẽ tập trung thảo luận các phản ứng của châu Âu trước nguy cơ bị gạt ra khỏi cuộc đàm phán về xung đột Ukraine.

Lãnh đạo châu Âu sẽ họp khẩn tại Pháp vào ngày 17/2 về vấn đề Ukraine (Ảnh: Bloomberg).
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tập trung tại Paris (Pháp) vào ngày 17/2 để dự cuộc họp khẩn vì lo ngại rằng Mỹ đang thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với Nga về cuộc chiến ở Ukraine mà không có châu Âu.
Ông Sikorski đề cập đến cuộc gặp sắp tới giữa các nhà lãnh đạo châu Âu trong Hội nghị An ninh Munich, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Hiện chưa rõ những nhà lãnh đạo nào sẽ có mặt nhưng Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho đến nay đều xác nhận tham dự.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh châu Âu lo ngại về cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng như bài phát biểu chỉ trích châu Âu của Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance tại Hội nghị An ninh Munich.
Thêm vào đó, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine, ông Keith Kellogg, ngày 15/2 cho biết châu Âu sẽ không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến Ukraine, nhưng lợi ích của các nước này vẫn được xem xét.
Một số nguồn tin cho biết, giới chức cấp cao của Mỹ và Nga có thể gặp nhau ở Ả Rập Xê Út vào tuần tới. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Kiev không nhận được lời mời tham dự hay thông báo về cuộc gặp này. Trước đó, ông chỉ trích cuộc điện đàm của ông Trump với ông Putin và tuyên bố không chấp nhận bất cứ thỏa thuận hòa bình nào đàm phán sau lưng Ukraine.
Ngoại trưởng Sikorski cho rằng cuộc điện đàm của ông Trump với chủ nhân Điện Kremlin là "một sai lầm". Theo ông, cuộc điện đàm này có lợi cho Nga trong khi làm suy yếu vị thế của Ukraine.
Ngoại trưởng Ba Lan tin rằng kết quả cuộc chiến ở Ukraine sẽ quyết định uy tín của Mỹ chứ không chỉ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ông và đội ngũ chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể và chính thức, song họ phát tín hiệu cả Moscow và Kiev đều sẽ phải nhượng bộ để đạt được thỏa thuận hòa bình. Họ cũng nêu rõ, châu Âu phải đảm bảo an ninh cho Ukraine hậu xung đột, trong khi Mỹ không tham gia vào sứ mệnh này.
Nguồn tin của báo Financial Times cho biết, Mỹ đã yêu cầu châu Âu đệ trình các đề xuất chi tiết liên quan đến vũ khí, lực lượng gìn giữ hòa bình và các biện pháp an ninh mà họ có thể cung cấp cho Ukraine như một phần của bất kỳ đảm bảo an ninh nào nhằm chấm dứt xung đột với Nga. Đặc phái viên Kellogg sẽ có chuyến công du châu Âu vào tuần tới để thu thập ý kiến.
Về phần mình, ông Kellogg nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm không chỉ những nhượng bộ về lãnh thổ mà còn phải đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Washington hy vọng Nga có thể nhượng bộ về lãnh thổ và cam kết không tấn công Ukraine trong tương lai.
Những tuyên bố này phản ánh mong muốn của Washington về một giải pháp ổn định và lâu dài cho cuộc xung đột vốn đã gây ra nhiều thương vong và phá hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine.