1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Âu "đau đầu" với kế hoạch cấp 440 triệu hộ chiếu vắc xin

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch nhằm thiết lập chương trình hộ chiếu vắc xin cho 440 triệu công dân dù sáng kiến này vẫn đang phải đối mặt với những lo ngại.

Châu Âu đau đầu với kế hoạch cấp 440 triệu hộ chiếu vắc xin - 1

Chương trình hộ chiếu vắc xin của châu Âu đang gây tranh cãi (Ảnh minh họa: India Times)

EU ngày 17/3 khởi động nỗ lực được giám sát kỹ lưỡng nhằm thiết lập chương trình hộ chiếu vắc xin cho hơn 440 triệu dân của khối, trong bối cảnh có những lo ngại về sáng kiến này liên quan tới áp lực phải mở cửa cứu nền kinh tế, rủi ro phân biệt đối xử và tiến độ tiêm chủng chậm chạp của châu lục này.

Những người ủng hộ chương trình này hy vọng hộ chiếu vắc xin sẽ sẵn sàng vào tháng 6, diễn biến có thể giúp các nước EU kịp để mở cửa lại dịch vụ du lịch vào dịp mùa hè, và có thể trở thành một mô hình mở rộng sang Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, các quốc gia EU đang đối mặt với tốc độ tiêm chủng chậm hơn Mỹ rất nhiều, điều làm dấy lên quan ngại rằng sáng kiến này có thể được thực hiện quá sớm.

Hộ chiếu vắc xin dự kiến sẽ ở dạng tài liệu giấy hoặc dạng số hóa và sẽ là bằng chứng rằng người sở hữu đã được tiêm chủng, hoặc họ vừa khỏi bệnh Covid-19 hoặc gần đây có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, giấy tờ này sẽ giúp những người sở hữu không phải thực hiện nghĩa vụ cách ly bắt buộc.

Những quy định này cũng có thể áp dụng cho công dân Mỹ hoặc Anh di chuyển tới lục địa châu Âu, do toàn bộ các vắc xin được phê duyệt ở 2 quốc gia này cũng đã được EU phê chuẩn. Hy Lạp, Síp và một số quốc gia châu Âu đã thông báo hoặc đang lên kế hoạch chào đón các du khách Anh trở lại trong vòng vài tháng. Nhưng biên giới EU sẽ vẫn bị đóng cửa đối với hầu hết người Mỹ - ngay cả những người đã được tiêm chủng - cho đến khi khối này dỡ bỏ các hạn chế đi lại.

Việc nới lỏng những hạn chế đó khó có thể xảy ra trong ngắn hạn, trong bối cảnh EU lo ngại về các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Những quan ngại

Tuy nhiên, kế hoạch được công bố hôm 17/3 đang tồn tại nhiều điểm gây tranh cãi với các quốc gia thành viên, bao gồm câu hỏi rằng loại hộ chiếu này sẽ bắt buộc người sở hữu phải đạt điều kiện như thế nào để nó có thể được sử dụng.

Trong khi Thủ tướng Áo Sebastian Kurz gần đây đã nói rằng "việc tiêm chủng phải hoàn toàn tự do" - ám chỉ việc tiêm vắc xin không phải là yếu tố bắt buộc, một số lãnh đạo EU vẫn cho rằng giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin là điều kiện cần thiết để người sở hữu hộ chiếu vắc xin có thể di chuyển ở châu Âu.

Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Âu hiện vẫn chưa tiêm chủng và một số nước đã nhận về các chế phẩm chưa được cơ quan y tế châu Âu phê duyệt sử dụng. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc đối xử không công bằng giữa công dân châu Âu. Ví dụ, Hungary đã bắt đầu chương trình tiêm chủng với vắc xin Sputnik V của Nga và vắc xin Trung Quốc - những chế phẩm vẫn chưa được EU phê chuẩn. Theo đề xuất về hộ chiếu vắc xin của EU, một quốc gia thành viên có quyền quyết định xem họ có chấp nhận các vắc xin đó là bằng chứng cho thấy người tiêm đã miễn dịch với Covid-19 hay không.

Ông Israel Butler, từ Liên minh Tự do Dân sự cho châu Âu, một cơ quan giám sát nhân quyền, cảnh báo rằng hộ chiếu vắc xin có thể tạo nên "một xã hội 2 tầng lớp".

Trong những tháng qua, Hy Lạp, Tây Ban Nha và những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào du lịch đã tích cực vận động hành lang cho sáng kiến hộ chiếu vắc xin. Ví dụ, du lịch chiếm 20% GDP Hy Lạp nên quốc gia này muốn mở cửa lại dịch vụ càng sớm càng tốt.  

Tuy nhiên, 2 quốc gia đông dân nhất châu Âu là Pháp và Đức lại có cách tiếp cận với hộ chiếu vắc xin thận trọng hơn rất nhiều.

Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây đã nói rằng việc nước này cấp đặc quyền với những người đã được tiêm chủng "không nằm trong chương trình nghị sự, do tỷ lệ tiêm chủng thấp vào thời điểm này".

Ngoài ra, hiện vẫn chưa có sự đồng thuận trong giới khoa học về tỷ lệ tiêm chủng như thế nào là đủ để có thể ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút.

Sự thiếu đồng thuận trong khối đã khiến nhiều quốc gia ở Nam Âu không hài lòng. Hy Lạp, Síp và một số nước gần đây đã công bố kế hoạch sẽ tự đàm phán các thỏa thuận song phương về hộ chiếu vắc xin, trừ khi một giải pháp toàn châu Âu được thông qua.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm