Châu Á học được gì từ cuộc khủng hoảng tài chính 1997
(Dân trí) - Thị trường vốn quốc tế được ví như những tuyến đường cao tốc của nền kinh tế thế giới và các nước đang phát triển nên kết nối với tuyến cao tốc này, tạo thuận lợi để các luồng vốn tự do lưu thông trên đó. Không làm được như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc tự cô lập.
Đây là chính sách tự do hóa thị trường và xóa bỏ mọi biện pháp điều tiết của nhà nước, nổi tiếng với tên gọi “đồng thuận Washington” (Washington consensus), do một số tổ chức tài chính quốc tế cùng với Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đề ra vào năm 1989 và đã được các nước nhiệt tình hưởng ứng vào trước thời điểm ngày 2/7/1997, cách đây đúng 10 năm, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á được châm ngòi bằng việc đồng baht của Thái Lan sụt giá 15% so với đồng đôla Mỹ.
Chưa đầy một năm sau, vào ngày 21/5/1998, khi Tổng thống Indonesia Suharto bị buộc từ chức, người ta nhận thấy rõ ràng là quan điểm kinh tế này có sai lầm nghiêm trọng. Đồng rupiah của Indonesia đã mất giá tới 86% so với đồng đôla Mỹ và Jakarta rơi vào tình trạng bạo lực, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 5.000 tòa nhà bị thiêu rụi.
Rõ ràng là chính sách “mở toang” cánh cửa thị trường vốn không phải là lựa chọn tất yếu để tiến tới sự thịnh vượng.
Vậy đâu là những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á?
Bài học thứ nhất: Phải có công cụ điều tiết luồng vốn.
Không phải tình cờ khi hai nước châu Á ít bị ảnh hưởng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng chính là những nước không tự do hóa thị trường vốn. Và trong số những nước đã tự do hóa thị trường vốn, cũng không phải ngẫu nhiên mà nước khống chế tốt nhất những tác động của cuộc khủng hoảng, Singapore, chính là nước có hệ thống luật pháp tốt nhất.
Do thiếu các biện pháp kiểm soát, nhiều nền kinh tế châu Á đã rơi vào tình trạng quá phụ thuộc vào nguồn tài chính rất dễ biến động từ bên ngoài - đó là các khoản vay ngắn hạn. Cuối năm 1996, các nước Đông Á đã nợ các ngân hàng châu Âu 318 tỷ USD, ngân hàng Nhật Bản 260 tỷ USD và ngân hàng Mỹ 46 tỷ USD, đa số là dưới hình thức vay ngắn hạn - dưới 1 năm.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết trong 3 năm trước thời điểm 1997, các khoản nợ ngắn hạn của Thái Lan chiếm tới 7-10% GDP, trong khi tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ chiếm 1% GDP.
Khi xảy ra khủng hoảng, các nguồn vốn ngắn hạn này biến mất cũng nhanh như khi xuất hiện, vì không hề có các công cụ điều tiết.
Bài học thứ hai: Cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.
Cũng giống như việc nối các thị trấn nhỏ với đường cao tốc mà trước đó không trang bị cho chúng hệ thống đường xá và cảnh sát giao thông phù hợp để giám sát việc tuân thủ luật lệ, sẽ thật liều lĩnh khi mở cửa nền kinh tế của các nước đang phát triển với thị trường vốn quốc tế mà chưa xây dựng hệ thống luật pháp phù hợp và đào tạo được đội ngũ cán bộ liêm khiết.
Hệ thống ngân hàng với sự giám sát lỏng lẻo vào những năm trước thời điểm 1997 đã dẫn đến sự phát triển quá mức của thị trường tín dụng ở nhiều nước châu Á, như Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan, kéo theo việc đầu tư dư thừa vào một số ngành kinh tế.
Việc dư thừa nguồn tín dụng còn dẫn đến tình trạng lãng phí, với cuộc chạy đua sở hữu tòa nhà cao nhất thế giới ở các nước châu Á là một ví dụ. Tệ hơn, việc “thừa tiền” còn châm ngòi cho sự phát triển bong bóng của thị trường bất động sản, từ đó lại quay lại tình trạng dư thừa tín dụng, vì các ngân hàng cho vay nhiều hơn giá trị thực của tài sản thế chấp. Kết quả là khi “bong bóng” vỡ, các ngân hàng phải hứng chịu hậu quả.
Hệ thống ngân hàng với sự giám sát lỏng lẻo còn cho phép các ngân hàng có tỷ lệ vốn lưu động không phù hợp. Theo số liệu năm 1997 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), ở Philippines (17%), Hồng Kông (18%) và Singapore (19%), tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn tối thiểu quốc tế.
Bài học thứ ba: Nguy cơ dư thừa vốn.
Chính phủ của các nền kinh tế mới nổi không thể làm gì nhiều để ngăn “lũ” vì nguồn cơn của sự mất cân bằng trên thị trường tài chính quốc tế không nằm trong tầm kiểm soát trực tiếp của họ.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á không phải chỉ do sự “tắc trách” của người châu Á gây ra. Ngân khố của hầu hết các nền kinh tế châu Á đều ở mức cân bằng hoặc thặng dư, và không hề có lạm phát. Cuộc khủng hoảng xảy ra phần nhiều là do những thay đổi về mô hình của hoạt động trung gian tài chính quốc tế.
Thứ nhất, sự mở rộng đáng kể của khả năng thanh khoản quốc tế vào thập niên 90 đã làm gia tăng sự cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính trên toàn thế giới. Vì thế, các giám đốc tài chính buộc phải tìm kiếm những khoản lợi nhuận cao hơn, thông qua các dự án đầu tư mạo hiểm.
Thứ hai là chính sách kinh tế vĩ mô của các cường quốc kinh tế đóng vai trò quan trọng trong sự mở rộng của khả năng thanh khoản quốc tế. Ví dụ như ở Mỹ, việc thâm hụt ngân sách giảm xuống trong khi khả năng sản suất tăng lên đã dẫn đến tốc độ lạm phạt giảm và do đó lãi suất giảm.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi luồng vốn đổ vào châu Á tăng lên, vì lãi suất ở châu Á cao hơn, còn các nước châu Á nhận thấy việc vay mượn quy đổi bằng đồng đôla Mỹ hoặc yên Nhật có lợi hơn là bằng đồng nội tệ.
Tuy nhiên, tình trạng mất cân đối này không thể kéo dài. Việc tăng nguồn vốn đã gia tăng sức ép đối với việc tăng tỷ giá hối đoái, từ đó làm trầm trọng thêm tình hình thâm hụt thương mại. Và khi thị trường tạo sức ép giảm giá đồng tiền, tình hình càng trở nên xấu đi do sự rút vốn đột ngột của các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường tài chính châu Á chao đảo.
Liệu điều tương tự có thể xảy ra lần nữa? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.
Trong suốt thời gian diễn ra khủng hoảng, đã có khá nhiều thảo luận về việc hình thành một “kiến trúc tài chính toàn cầu”. Tuy nhiên từ đó đến nay, cái “kiến trúc” đó hầu như không có gì thay đổi. Vẫn chưa có được những công cụ điều tiết luồng vốn một cách hiệu quả.
Về hành lang pháp lý, đã có nhiều cải tiến kể từ năm 1997. Giờ đây nhiều ngân hàng của châu Á hoạt động bền vững hơn, với tỷ lệ vốn lưu động tăng lên trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống.
Tuy nhiên, trình độ quản lý vẫn chưa được cải thiện. Một cuộc điều tra gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy trên thực tế, chất lượng trình ở 4 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á - Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan - thậm chí còn có chiều hướng kém đi so với năm 1997, ở 6 thước đo: trách nhiệm quản lý, sự ổn định chính trị, hiệu quả của chính phủ, chất lượng của hệ thống luật pháp, sự tuân thủ pháp luật và tình hình kiểm soát tham nhũng.
Hiện nay lại đang xảy ra tình trạng tính thanh khoản quốc tế lên quá cao. Tuy nhiên, lần này nguyên nhân lại khác - dự trữ của các nước châu Á đã tăng từ mức 250 tỷ USD của năm 1997 lên 2,5 nghìn tỷ USD trong năm nay, chủ yếu nhờ Trung Quốc.
Luồng vốn chảy vào các thị trường châu Á mới nổi trung bình chiếm 6-7% GDP, cùng mức với thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-98. Tuy nhiên, không như hồi thập kỷ 90, hiện nay luồng vốn phần lớn là đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài (FDI và FPI) chứ không phải là đầu tư ngắn hạn.
Dù vậy, giới lãnh đạo tài chính châu Á đã chỉ ra rằng tỷ lệ lãi suất thấp trong suốt một thời gian dài đã dẫn đến sự phát triển bong bóng của thị trường chứng khoán, bất động sản, thị trường hàng hóa và hoạt động đầu tư tư nhân. Và như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo, nếu tình trạng mất cân đối trên thị trường tài chính quốc tế không được giải quyết một cách nhịp nhàng thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.
Nói như nhà soạn kịch Eugene O'Neill, không có hiện tại hay tương lai, mà chỉ có quá khứ cứ lặp đi lặp lại. Cách nói này có thể hơi cường điệu. Có lẽ sẽ chính xác hơn khi nói rằng lịch sử luôn lặp lại, nhưng có một chút thay đối. Nếu khôn ngoan và thận trọng, chính phủ các nước sẽ cố gắng tìm ra sự khác biệt đó để có các biện pháp đề phòng.
Đặng Lê
Theo Straits Times