1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ai cứu IMF?

(Dân trí) - Mười năm sau khi đóng một vai trò gây nhiều tranh cãi trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang lâm vào cuộc khủng hoảng của chính mình.

Mười năm trước, thể chế tài chính già nua có tuổi đời sáu thập niên này đã cho các quốc gia châu Á vay trên 38 tỷ USD với kỳ hạn hai năm kèm theo điều kiện hà khắc buộc các nước này phải thực hiện "chính sách thắt lưng buộc bụng". Thế nhưng giờ đây, nhiều quốc gia trong số những nước nói trên lại đang lảng tránh tổ chức này.

 

Mark Weisbrot, đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, một cơ quan tư vấn có trụ sở tại Oasinhtơn, nói: "Cuộc khủng hoảng châu Á là sự khởi đầu của một tiến trình, mà kể từ đó IMF đã mất gần hết ảnh hưởng trên thế giới sau một thập niên".

 

Được thành lập trong đống tro tàn của Chiến tranh Thế giới II với sứ mệnh bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế, IMF ngày nay đang phải đối mặt với sức ép cải cách những tập quán của chính mình. Những người chỉ trích cho rằng IMF phục vụ lợi ích của những quốc gia giàu có bằng cách tìm cách áp đặt những tập quán thị trường tự do.

 

Tháng 5/2007, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tuyên bố nước này rút khỏi IMF và Ngân hàng Thế giới, những định chế bị ông mô tả là "công cụ của chủ nghĩa đế quốc Mỹ" bóc lột các nước nghèo. Venezuela, theo gót một số quốc gia khác tại Mỹ Latinh và châu Á, đã trả hết nợ cho IMF. Một số Tổng thống Mỹ Latinh khác, trong đó có Nestor Kirchner của Argentina và Rafael Correa của Ecuador, cũng không che giấu thái độ coi thường IMF.

 

Tại hội nghị toàn thể gần đây ở Xinhgapo, IMF đã bị gây sức ép đòi phải cho phép các nước nghèo và đang phát triển có nhiều tiếng nói hơn trong ban giám đốc điều hành của định chế tài chính này.

 

Một số nước có thể được lợi từ việc thay đổi cách thức điều hành IMF, chẳng hạn như Hàn Quốc đã có quyền bỏ phiếu. Cuộc họp của IMF dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới có thể đạt được tiến triển, song tiến trình này cũng có thể kéo dài sang năm 2008.

 

Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, một số khách hàng của IMF đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, khiến sứ mệnh của IMF tại những quốc gia này trở nên thừa thãi.

 

Các định chế khu vực mới cũng nổi lên cũng đang thách thức vị thế của IMF. Không những thế, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ toàn cầu và sự bùng nổ tín dụng tư nhân trên các thị trường thế giới trong một thời gian dài đã tạo ra nhiều kênh vốn mới cho những nước muốn vay tiền.

 

Trong khi đó, tiến trình cải cách của IMF, lại tiến triển rất chậm chạp. Vai trò giám sát tỷ giá hối đoái của IMF đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với tổ chức tài chính này.

 

IMF hiện đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng đối với các chính sách ngoại hối của các quốc gia thành viên, nhưng lại không muốn bị cáo buộc là phục vụ lợi ích của Mỹ chống lại cường quốc của châu Á là Trung Quốc.

 

Phúc lợi tài chính của chính IMF hiện cũng đang gặp trở ngại, một phần là do lượng tiền mà IMF cho các quốc gia con nợ vay giảm. IMF đã lùi lại một tháng cuộc họp trước đó dự kiến diễn ra trong tháng 6 để tranh cãi về việc bán một phần kho dự trữ vàng nhằm góp phần củng cố khả năng tài chính của thể chế này.

 

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 28/6, viện cớ vì lý do cá nhân Giám đốc IMF Rodrigo de Rato đã bất ngờ tuyên bố từ chức, sớm một năm rưỡi so với nhiệm kỳ 5 năm.

 

Theo các nhà phân tích, sự ra đi của ông Rato trong bối cảnh hiện nay cho thấy IMF thực sự đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Một vài nhà phân tích thậm chí còn cho rằng 10 năm trước, IMF đã ra tay cứu châu Á khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, không hiểu trong lúc này "ai có thể là người cứu định chế tài chính này khỏi cơn bĩ cực hiện nay".

 

Kiến Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm