10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á: Mối lo còn đó
(Dân trí) - Một thập kỷ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ, nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á đã dần ổn định, nhưng chưa bao giờ lấy lại được tốc độ tăng trưởng đáng nể như hồi giữa thập niên 90. Những bất ổn về chính trị đã kìm hãm sự phát triển của khu vực.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 có thể coi là sự cố nghiêm trọng nhất trong quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.
Là sáng lập viên của một đế chế hùng mạnh trong ngành công nghiệp hóa dầu, sau đó mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực lọc dầu, nhựa, thép và xi măng, Prachai Leophairatana đã từng là một trong những người đàn ông giàu nhất châu Á.
Tuy nhiên, đến ngày 2/7/1997, khi đồng baht mất giá và Thái Lan rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ, kéo theo phản ứng dây chuyền trong toàn khu vực, công ty của ông Prachai mất khả năng thanh toán khoản nợ khi đó đã lên tới gần 3 tỷ USD. Giờ đây, ông đã phần nào khôi phục lại hoạt động kinh doanh, nhưng chỉ còn nắm quyền kiểm soát trong lĩnh vực xi măng, và trong suốt 10 năm qua không xây dựng được thêm nhà máy mới nào.
Trường hợp của ông nói lên được khá nhiều điều về thực trạng nền kinh tế châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tiến hành một cuộc điều tra của về tình hình kinh tế của 5 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ này - Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Philippines. Kết quả cho thấy thu nhập bình quân đầu người đã tăng, ít nhất là trở lại mức trước năm 1997. Cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối, chính sách kiểm soát doanh nghiệp, bề sâu của thị trường tài chính, vai trò điều tiết của chính phủ, cũng như nhiều chỉ số khác của nền kinh tế đều đã được cải thiện.
Tuy nhiên, ở cả 5 nước nói trên, vẫn còn đó “cảm giác về sự mất mát”: cảm giác mình không còn là “người tình hấp dẫn” các nhà đầu tư nước ngoài, cảm giác rằng những quãng thời gian đẹp nhất đã thuộc về quá khứ chứ không phải ở tương lai. Trong thời gian từ năm 2000 đến 2006, mỗi nền kinh tế đều tăng trưởng với tốc độ thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 1990-1996 khoảng 2,5%/năm. Ông Rajat Nag, Tổng Giám đốc ADB, cho rằng nguyên nhân là do thái độ thận trọng hơn đối với các hoạt động đầu tư của cả chính phủ và các doanh nghiệp.
Tình trạng bất ổn về chính trị và nợ xấu cũng là các nhân tố kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trong khu vực. Năm ngoái ở Thái Lan đã diễn ra một cuộc đảo chính quân sự và đến nay, tình hình bạo lực chính trị ở khu vực miền nam vẫn đang gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đầu tư ở đây. Philippines cũng đang phải đối phó với quân nổi dậy. Indonesia chưa hoàn toàn hồi phục sau vụ lật đổ của chính quyền Suharto và các vụ đánh bom ở Bali hồi năm 2002.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Chalongphob Sussangkarn tuyên bố nước này đã giải quyết xong các khoản vay nợ ngân hàng và nền kinh tế sẽ chuyển biến tích cực sau các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
"Hiện ít có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác," ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng các nước có mức thu nhập trung bình như Thái Lan vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường vốn, và cho rằng tốc độ tăng trưởng 2 con số của giai đoạn giữa thập niên 90 không phải là con số bền vững đối với Thái Lan hay bất cứ nước nào khác nếu xét về lâu dài. Thậm chí nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ phát triển chậm lại vì vì hàng xuất khẩu của nước này bắt đầu gây bão hòa thị trường thế giới.
Tốc độ tăng trưởng trung bình 4-7%/năm trong thời gian gần đây của 5 nước nói trên vẫn khá hơn nhiều nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, họ vẫn đang đứng sau 3 “ngôi sao sáng” hiện nay trên bầu trời châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam - với mức tăng trưởng trung bình 9-11%/năm. Lý do là 3 nước này có tình hình chính trị ổn định hơn và đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam hiện đã vượt qua Thái Lan về mức tiêu thụ xi măng trung bình năm - một chỉ số của hoạt động đầu tư. Trung Quốc đang là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, còn Ấn Độ đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về phát triển phần mềm máy tính và các lĩnh vực outsourcing khác.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn về việc liệu nhiều nước trong khu vực, theo lời khuyên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã đi quá xa trong việc mở cửa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các quỹ phòng hộ (hedge fund), hệ thống ngân hàng, các công ty đa quốc gia và nội địa đều bắt đầu bán nội tệ và mua đôla Mỹ nhằm bảo vệ lợi nhuận hoặc thanh toán các khoản nợ bằng đồng đôla vào năm 1997.
Kết quả là giá trị đồng nội tệ xuống dốc thảm hại, khiến các công ty càng gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ bằng đôla Mỹ. Khi đó, người ta bắt đầu đổ lỗi cho giới tài phiệt Mỹ và Tây Âu.
Tuy nhiên, các bản phân tích kinh tế gần đây lại cho rằng trách nhiệm của hệ thống quỹ phòng hộ và ngân hàng đối với tình trạng sụt giá của các đồng tiền châu Á không lớn bằng việc các công ty nội địa, cũng như các hãng lớn như Dell và các quỹ đầu tư như T. Rowe Price New Asia Fund, đột ngột đua nhau bán đồng nội tệ, tích trữ đôla Mỹ để hạn chế nguy cơ lỗ.
Malaysia đã khống chế tình hình tốt hơn nhiều nước khác trong khu vực, bằng cách áp dụng một số biện pháp hạn chế luồng tiền đổ ra nước ngoài. Thành công này đã khiến người ta có thái độ nghi ngờ đối với quan điểm cho rằng các nước nên mở cửa thị trường hết mức có thể.
Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đều đã có các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc “bơm” và rút nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngắn hạn từ rất lâu trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Và cả 3 nước này đều đã khống chế khá tốt tác động của cuộc khủng hoảng.
Hiện nay, cả 3 nước đang tiến tới việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát sự lưu thông của luồng vốn, nhưng với một tiến độ rất chậm, đến mức đôi khi khiến các đối tác thương mại và tài chính của Mỹ và châu Âu thấy bực mình.
"Chúng tôi tập trung vào việc thiết lập hàng rào bảo vệ để có thể kiểm soát được tình hình trong trường hợp xảy ra khủng hoảng," ông Kamal Nath, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ nói.
Đất nước chịu tác động mạnh nhất của tình trạng biến động luồng vốn bất thường trong vài tháng trở lại đây một lần nữa lại là Thái Lan. Nguồn vốn đầu tư cổ phiếu và trái phiếu đổ vào nước này hồi tháng 12 năm ngoái có nguy cơ khiến đồng nội tệ tăng giá mạnh, từ đó giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Trước tình hình đó, chính phủ Thái Lan đã áp dụng biện pháp đánh thuế đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngắn hạn.
Nhưng ngay sau đó, khi thị trường chứng khoán Thái Lan sụt giảm 15%/ngày, chính phủ lập tức phải dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, trong một động thái ít gây chú ý hơn, chỉ trong vài tháng trở lại đây, chính phủ Thái Lan đã có một loạt điều chỉnh nhằm duy trì một số hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài đem một lượng tiền lớn vào đây để mua các loại chứng khoán thanh toán định kỳ*.
Bên cạnh những bất ổn về tài chính, còn có một mối lo khác đối với 5 nước nói trên, đó là mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên, nhưng họ vẫn đang phải phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ. Nhiều nước châu Á trước đây thường trực tiếp xuất khẩu hàng điện tử và một số mặt hàng khác sang Mỹ. Giờ đây họ chuyển hướng xuất khẩu phụ tùng sang Trung Quốc để lắp ráp rồi mới xuất khẩu sang Mỹ.
"Châu Á cần phải chuẩn bị cho một tương lai phụ thuộc vào sức phát triển nội tại nhiều hơn là phụ thuộc vào sự phát triển của các khu vực khác," Timothy Geithner, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên Bang New York nói.
Đặng Lê
Theo IHT
* Là loại hình đầu tư mà ngay từ ban đầu, nhà đầu tư đã biết chính xác số tiền lãi mà mình sẽ nhận được định kỳ. Đối lập với nó là loại chứng khoán có mức lãi (cổ tức) không cố định (variable-income security), mà phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. (BTV)