Cha mẹ viên cơ phó máy bay Đức bị cách ly để thẩm vấn
(Dân trí) - Cha mẹ cơ phó, người chủ định lái chiếc máy bay Đức lao vào núi, đã bị cách ly để thẩm vấn. Hiện cặp vợ chồng, một người là doanh nhân còn người kia là giáo viên piano, đang hết sức bàng hoàng khi nghe tin con trai mình là “kẻ sát nhân trong buồng lái”.
Thân nhân hành khách và phi hành đoàn trên máy bay Germanwings đau đớn tột cùng. (Ảnh: Getty)
Theo Daily Mail, cha mẹ của cơ phó Lubitz hôm qua 26/3 đã có mặt ở Pháp, cùng thân nhân hành khách và phi hành đoàn tới một địa điểm gần hiện trường trên núi An-pơ để trực tiếp theo dõi công tác tìm kiếm cứu hộ.
Theo AP, cha mẹ của phi công chủ tâm lao máy bay xuống núi chỉ phát hiện ra sự thật rằng con trai mình đã tiến hành một hành động tự sát khiến 149 người tử vong khi các công tố Pháp thông báo tin này cho toàn thế giới.
Các công tố viên Pháp hôm qua 26/3 cho biết cơ phó Andreas Lubitz đã khóa trái cửa, ở trong buồng lái một mình, không nói bất kỳ một lời nào khi chỉnh chế độ cho chiếc 4U9525 rơi tự do rồi đâm xuống núi trưa hôm 24/3.
Ngay khi có thông tin con trai đã cố ý phá hoại máy bay, cha mẹ của Lubitz đã bị cách ly. Theo AP, hai người này hết sức bàng hoàng và dường như đã quẫn trí sau khi nghe tin con trai mình chủ tâm lao phi cơ vào vách núi, làm hại 149 người vô tội khác.
Hai người đã được đưa tới một địa điểm bí mật để các nhà điều tra có thể thẩm vấn về người con trai. Truyền thông Đức đưa tin, cha của Lubitz là một doanh nhân thành đạt, trong khi mẹ của viên cơ phó là một giáo viên dạy đàn piano.
Lubitz, 28 tuổi, từng sống chung với bạn gái trong một căn nhà trị giá gần 550.000 USD, nhưng mới đây, hai người đã chia tay.
Các nhà điều tra thu giữ manh mối quan trọng tại nhà riêng của phi công Lubitz. (Ảnh: Daily Mail)
Theo hãng Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, Lubitz gia nhập hãng này năm 2013 và có 630 giờ bay. Trước đó, người này đã hoàn thành khóa huấn luyện tại hãng Lufthansa, ở thành phố Bremen, Đức.
Lubitz xuất thân từ thị trấn Montabaur, cách Frankfurt khoảng gần 100km về phía tây bắc. Trong ngày 26/3, thị trấn này đã ra thông cáo chia buồn với gia đình nhưng không nêu tên Lubitz.
Daily Mail cho hay cơ phó 28 tuổi này từng bị bệnh trầm cảm, và mắc phải hội chứng cháy sạch (burnout syndrome - hiện tượng kiệt sức hoặc năng suất lao động giảm sút sau một quá trình lao động, hoạt động dài ngày với những triệu chứng như mất ngủ, chóng mặt, ù tai, lo sợ mà không rõ nguyên nhân. Người mắc chứng bệnh này thường có cảm giác khó tả, ghét công việc và đi kèm với chán chường).
Một vài nguồn tin cho rằng chứng bệnh trên khiến cơ phó Lubitz từng phải dừng khóa đào tạo bay trong một thời gian.
Tuy nhiên, điều lạ lùng là cơ phó Lubitz đã có thể vượt qua nhiều bài kiểm tra bay và y tế của hãng Germanwings, vốn được tiến hành thường xuyên để kiểm tra tình trạng sức khỏe của các phi công.
Không chỉ vậy, Lubitz còn được đánh giá là một phi công trầm lặng với niềm “đam mê được bay”. Lubitz là thành viên một câu lạc bộ hàng không tại Đức có tên LSC, và theo CLB này, Lubitz là thành viên của họ từ khi còn trẻ với mong muốn “hoàn tất giấc mơ được bay”.
Trong một diễn biến mới nhất, Telegraph đưa tin cảnh sát Đức chiều qua 26/3 đã khám xét căn nhà của cơ phó Lubitz và phát hiện một số bằng chứng quan trọng, manh mối cho cuộc điều tra nguyên nhân tại sao viên cơ phó lại lao máy bay vào vách núi một cách có chủ định.
Phía cảnh sát không nói rõ manh mối đó là gì nhưng xác nhận đó không phải là một lá thư tuyệt mệnh.
Trên chuyến bay mang số hiệu 4U9525 ngày 24/3, khi cơ trưởng rời khoang lái, có thể để đi vệ sinh, viên cơ phó Andreas Lubitz đã kiểm soát máy bay một mình, ấn các nút thuộc hệ thống kiểm soát bay để cho phi cơ hạ độ cao. Cơ trưởng quay lại gõ cửa, rồi đập mạnh như muốn phá tan cánh cửa nhưng vẫn bị cơ phó lờ đi.
Chiếc Airbus đã lao xuống với tốc độ khoảng 900-1.200 m/phút. Tín hiệu radar cuối cùng là vào lúc 9h40 giờ GMT ngày 24/3, ở độ cao gần 2.000 m. Các nhân viên kiểm soát không lưu đã cố gắng nhiều lần để liên lạc với máy bay nhưng vô ích. 150 người trên khoang đều đã tử nạn.
Thoa Phạm
Theo Daily Mail, Telegraph, AP