Tiêm kích siêu thanh Nga mang tên lửa sát thủ thách thức Không quân Ukraine
(Dân trí) - Không quân Nga đã huy động máy bay MiG-31BM mang tên lửa tầm xa R-37 tới tham chiến tại Ukraine.
Không quân Ukraine xác nhận quân đội Nga đã điều động các tiêm kích siêu thanh MiG-31BM mang theo tên lửa không đối không tầm xa R-37 tới tham chiến tại chiến trường Ukraine.
Theo Thiếu tá, phi công Vadym Voroshilov, người vừa được phong danh hiệu Anh hùng Ukraine sau những thành tích xuất sắc trong không chiến hôm 8/12, sự phối hợp giữa tiêm kích MiG-31BM và tên lửa R-37 đã gây ra nhiều thách thức cho các chiến đấu cơ của Không quân Ukraine.
Theo Thiếu tá Voroshilov, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, tiêm kích MiG-31 thường được biết đến với vai trò máy bay tấn công mặt đất. Với khả năng mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal "Dao găm" cùng nhiều loại vũ khí không đối đất hiện đại khác, MiG-31 đã nhiều lần làm chao đảo các hệ thống phòng không Ukraine và gây thiệt hại nặng nề cho các mục tiêu quân sự của Kiev.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự xuất hiện của tên lửa sát thủ R-37, các máy bay MiG-31BM của Moscow đang dần trở lại với vai trò quen thuộc là tiêm kích đánh chặn trong biên chế Không quân Nga. Mục tiêu chính của tiêm kích này là tuần tra bảo vệ lực lượng mặt đất Nga trước mối đe dọa từ máy bay chiến đấu, UAV và tên lửa của quân đội Ukraine. Với uy lực vượt trội, cặp đôi vũ khí này đã khiến các phi công Ukraine gặp nhiều khó khăn.
Tên lửa Vympel R-37M được ví là sát thủ trên không trong biên chế Không quân Nga nhờ khả năng tấn công mục tiêu ấn tượng. Tên lửa này có tốc độ hơn 7.400 km/giờ (tương đương gấp 6 lần tốc độ âm thanh), tầm bắn lên đến 398km, xa hơn nhiều so với tên lửa AIM-54 Phoenix của Hải quân Mỹ với tầm bắn chỉ 190km. R-37M dùng động cơ nhiên liệu rắn tăng cường, được trang bị radar chỉ thị mục tiêu Agat 9M1103M-350 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 70km và khóa mục tiêu ở cự ly 40km. Khi tới gần mục tiêu, R-37M sẽ bật radar dẫn đường và tăng tốc nhanh chóng lên vận tốc siêu vượt âm, khiến đối phương không kịp trở tay.
Về tiêm kích MiG-31, máy bay chiến đấu này đã được đưa vào biên chế trong quân đội Liên Xô từ những năm 1980 và trải qua nhiều lần hiện đại hóa nhằm tăng cường khả năng tác chiến. Phiên bản MiG-31BM là một phiên bản nâng cấp sâu, qua đó nâng cao khả năng hoạt động của hệ thống radar và kiểm soát hỏa lực giúp tiêm kích này có thể phát hiện, truy tìm và tiêu diệt mục tiêu một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, với tốc độ tối đa gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh, trần bay đạt 18.000m cùng khả năng điều hướng linh hoạt, MiG-31BM rất khó bị đánh chặn bởi các máy bay chiến đấu của đối phương.