1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cách tỷ phú Musk "bắt mạch" bộ máy giúp Mỹ tiết kiệm hàng tỷ USD

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tỷ phú Elon Musk đang áp dụng chiến lược công nghệ và triết lý lãnh đạo của mình trong nỗ lực tìm ra những vấn đề tồn tại nhằm khuyến nghị lên chính phủ liên bang Mỹ.

Cách tỷ phú Musk bắt mạch bộ máy giúp Mỹ tiết kiệm hàng tỷ USD - 1

Tỷ phú Elon Musk (Ảnh: Reuters).

Theo The Hill, ông Musk và các đội ngũ trong Ban Hiệu quả chính phủ (DOGE) đang cố gắng tiếp cận dữ liệu nhạy cảm và ứng dụng công nghệ tiên tiến để phân tích giúp đẩy nhanh quy trình.

Cụ thể, DOGE đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến sử dụng các máy chủ bí ẩn để cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang và hiện đại hóa hệ thống.

Triết lý lãnh đạo quyết liệt

Phương pháp "hành động nhanh và sẵn sàng phá vỡ mọi thứ" gợi nhớ đến phong cách lãnh đạo của ông Musk tại các công ty khác, đặc biệt là nền tảng mạng xã hội X vài năm trước. Tại đây, vị tỷ phú này, cùng với nhóm cộng sự trung thành, đã cắt giảm nhân sự và loại bỏ các chương trình mà ông cho là không cần thiết.

Phong cách lãnh đạo của ông Musk, đôi khi bị mô tả là liều lĩnh hoặc khắc nghiệt, là yếu tố trung tâm tạo nên ảnh hưởng gây tranh cãi của ông trong giới công nghệ.

Giờ đây, ông mang triết lý đó đến Washington khi Tổng thống Mỹ Donald Trump giao cho ông nhiệm vụ tham mưu để tinh gọn bộ máy, cắt giảm chi phí không cần thiết.

"Vì có rất nhiều động lực phía sau các sáng kiến khác nhau, có vẻ như họ không chỉ muốn làm nhanh và phá vỡ mọi thứ, mà còn muốn thay đổi tận gốc và cứ tiếp tục cho đến khi bị ngăn lại", Sarah Kreps, Giám đốc Viện Chính sách Công nghệ tại Đại học Cornell, nhận xét.

Cách ông Musk triển khai DOGE phản ánh nhiều bước đi mà ông đã thực hiện sau khi mua lại X (tên cũ là Twitter) vào năm 2022.

Cuộc tiếp quản hỗn loạn đó được đánh dấu bởi việc sa thải hàng loạt các giám đốc điều hành cấp cao, cắt giảm ít nhất một nửa số nhân viên và xóa bỏ nhiều chính sách cũ mà không quan tâm đến tác động tiềm tàng đối với công ty.

Trong một email vào năm 2022, ông Musk yêu cầu nhân viên công ty hoặc rời đi, hoặc cam kết làm việc với tinh thần "cực kỳ cống hiến". Tiêu đề email đó là "Ngã ba đường".

Gần hai năm sau, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang đã nhận được email với tiêu đề tương tự, đề nghị họ từ chức nhưng vẫn nhận đủ lương và phúc lợi cho đến ngày 30/9.

"Tiêu đề email đó, ông ta thậm chí còn không buồn thay đổi, và rõ ràng là có chủ đích, như một lời châm biếm vậy", một nhân viên liên bang giấu tên nói với The Hill.

Cũng giống tại X, ông Musk đã thiết lập một nhóm thân cận để điều hành DOGE. Nhiều người trong số họ là những người trẻ có liên kết với các công ty khác của ông, nhưng lại thiếu kinh nghiệm làm việc trong chính phủ và chính giới.

Thomas Shedd, một cựu kỹ sư Tesla, được bổ nhiệm để dẫn đầu các nỗ lực công nghệ tại Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA), trong khi Amanda Scales, từng làm việc tại công ty về AI tên gọi xAI của ông Musk, hiện là Chánh văn phòng của Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM).

Một trong những cộng sự trẻ tuổi nhất của ông Musk là Edward Coristine, 19 tuổi, làm việc với tư cách là một "kỹ sư DOGE" tại Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ.

Coristine từng thực tập tại Neuralink, công ty nghiên cứu công nghệ não - máy tính của ông Musk.

Mặc dù việc tuyển dụng nhân sự trẻ như vậy gây tranh cãi, nhưng đây không phải là chiến lược xa lạ đối với ông Musk.

"SpaceX không trở thành công ty thành công vang dội chỉ bằng cách tuyển dụng những người đã làm việc trong ngành hàng thập kỷ. Họ làm được điều đó bằng cách tuyển dụng những tài năng trẻ, đôi khi thậm chí chưa có bằng đại học", Kreps nói.

Ứng dụng công nghệ hiện đại

DOGE đang tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các khu vực có thể cắt giảm chi tiêu.

New York Times đưa tin rằng Thomas Shedd đã thông báo cho nhân viên GSA rằng AI sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc cắt giảm chi phí, thậm chí có thể giảm 50% ngân sách của cơ quan này.

Washington Post cũng cho biết, DOGE đang đưa dữ liệu liên bang nhạy cảm vào AI để tìm ra các khoản chi tiêu cần cắt giảm.

Sự tích hợp AI vào chính phủ liên bang đánh dấu một bước chuyển lớn, vì hệ thống công nghệ của chính phủ Mỹ vốn dĩ đã lỗi thời từ lâu.

Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư.

"Chúng ta đang nói về những thông tin nhạy cảm nhất mà người dân cung cấp để nhận dịch vụ từ chính phủ", Elizabeth Laird, Giám đốc công nghệ dân sự tại Trung tâm Dân chủ & Công nghệ, cảnh báo.

"AI vẫn đang phát triển nhanh chóng và có nhiều hạn chế. Sử dụng AI để đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là một điều cần phải xem xét cẩn trọng", bà nói thêm.

Một số nhân viên liên bang cũng lo ngại về việc tích hợp chatbot AI Gemini của Google vào hệ thống.

Một nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết "mọi người đều biết không nên viết bất cứ điều gì có thể bị coi là chỉ trích trong email hoặc tin nhắn nội bộ" vì AI có thể khả năng theo dõi được những thông tin này. 

Theo Google, Gemini được cài đặt vào ngày 15/1, trước khi ông Trump nhậm chức. Dưới chiến dịch cắt giảm của DOGE, số nhân viên USAID đã giảm từ hơn 10.000 xuống còn chưa đầy 300.

Theo The Hill
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0