1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cách binh sĩ Nga - Ukraine đối phó cơn "ác mộng" UAV công phá chiến hào

Đức Hoàng

(Dân trí) - Những UAV cỡ nhỏ, giá rẻ đang gây ra thiệt hại không nhỏ cho Nga và Ukraine, khiến binh sĩ 2 nước phải nghĩ cách để ứng phó khi tác chiến trong các công sự và hào.

Cách binh sĩ Nga - Ukraine đối phó cơn ác mộng UAV công phá chiến hào - 1

Tấm lưới phủ lên chiến hào của quân đội Ukraine đóng vai trò như biện pháp bảo vệ bộ binh tác chiến phía dưới khỏi UAV (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Những máy bay không người lái nhỏ - một số ném lựu đạn, một số khác gắn chất nổ - xuất hiện với cường độ dày đặc trong cuộc chiến kéo dài gần 22 tháng giữa Nga và Ukraine. Và bộ binh của cả hai bên đều biết điều đó.

Các video trên chiến trường trong thời gian qua cho thấy mức độ nguy hiểm của vũ khí này.

Ví dụ, một đoạn video ghi lại cảnh Nga triển khai UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) tấn công chiến hào, loại bỏ một số bộ binh Ukraine đang trấn giữ bên trong và phân tán những người còn lại.

Hay trong một đoạn video khác, UAV của Ukraine ném chính xác một quả lựu đạn vào một chiếc xe tăng Nga đang di chuyển và làm hỏng nó. Sau đó, UAV tiếp tục ném thuốc nổ xuống chiếc xe tăng thứ 2 của Nga được cử đến để kéo chiếc xe bị hỏng về.

Đó là lý do tại sao quân nhân 2 bên đang tìm cách để ngăn chặn những vụ tấn công nhanh, bất ngờ, có thể gây chết chóc từ các UAV giá rẻ.

Rob Lee, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), đã đăng tải những tấm ảnh về những biện pháp bảo vệ này. Theo đó, trong khi Ukraine phủ lưới lên trên chiến hào, thì Nga cũng dùng tấm lưới thép phủ lên cửa hầm.

Cách binh sĩ Nga - Ukraine đối phó cơn ác mộng UAV công phá chiến hào - 2

Nga dùng lưới thép phủ lên cửa hầm ngăn chặn UAV mang chất nổ lao vào tấn công (Ảnh: X).

Samuel Bendett, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho biết máy bay không người lái gắn chất nổ "có ở khắp mọi nơi" trên chiến trường.

Vì vậy, các phương án phòng thủ trước UAV FPV cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi.

"Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều cách phòng thủ khác nhau chống lại UAV như lồng bảo vệ, giáp, ván gỗ và những cách tương tự", ông nói.

Các biện pháp bảo vệ này thường xuất hiện trên các xe tăng, xe bọc thép. Tuy nhiên, giờ đây, bộ binh của cả 2 bên cũng phải tìm cách tự bảo vệ mình.

"Cả hai bên đang cố gắng thích ứng nhanh nhất có thể trước mối đe dọa ngày càng tăng của máy bay không người lái FPV", ông Bendett nói.

Những tấm màn, lưới thép phủ lên chiến hào như một lớp che chắn, ngăn chặn UAV lao thẳng xuống và có thể gây ra thiệt hại lớn về nhân lực.

Mặt khác, về bản chất, màn chắn, lưới thép và lồng bảo vệ là những phương tiện chống UAV một cách thụ động. Cả quân đội Nga và Ukraine đều hiểu rằng phòng thủ UAV có nghĩa là phải chủ động bắn hạ chúng và khiến chúng bị rơi bằng tác chiến điện tử.

Đó là lý do vì sao cả 2 bên ngày càng sử dụng nhiều hệ thống phòng không tự chế, ví dụ gắn súng máy lên xe tải, thậm chí dùng cả súng săn. Vai trò của tác chiến điện tử cũng ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, kịch bản mọi trung đội bộ binh của 2 bên đều có hệ thống phòng không và thiết bị gây nhiễu riêng là khó có khả năng xảy ra trong tương lai gần, vì có hàng nghìn đơn vị như vậy. Vì vậy, để thích nghi với mối đe dọa, bộ binh 2 bên sẽ phải tiếp tục đào hào, phủ lưới để tự bảo vệ bản thân mình trước đối phương.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine