1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các vụ tập kích tên lửa của Nga tác động thế nào tới xung đột Ukraine?

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Các chuyên gia phân tích nhận định, các trận tập kích đường không liên tục trong thời gian gần đây của Nga là chưa đủ để xoay chuyển cục diện chiến sự Ukraine.

Các vụ tập kích tên lửa của Nga tác động thế nào tới xung đột Ukraine? - 1
Lực lượng cứu hỏa Ukraine nỗ lực khống chế ngọn lửa sau vụ tập kích tên lửa của Nga vào thủ đô Kiev hôm 10/10 (Ảnh: Reuters).

Sáng ngày 10/10, hơn 80 tên lửa hành trình đã được quân đội Nga phóng vào các mục tiêu tại thủ đô Kiev cùng nhiều thành phố khác trên khắp lãnh thổ Ukraine. Hành động được xem là đòn trả đũa cho vụ đánh bom cầu Crimea hôm 8/10 là bước khởi đầu cho những trận tập kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV) cảm tử dồn dập của Moscow vào những ngày qua.

Các vụ tấn công trên đã để lại nhiều hậu quả nặng nề với Ukraine: Hàng trăm người đã thiệt mạng và bị thương, nhiều công trình quân sự và dân sự bị hỏng hóc nghiêm trọng, trụ sở của một số đơn vị vũ trang như Cơ quan An ninh Ukraine cũng bị đánh trúng.

Giới chức quân đội Nga cho rằng ngoài những thiệt hại trực tiếp kể trên, các màn tập kích đường không quy mô lớn của Nga cũng đang làm chậm bước tiến của chiến dịch phản công của quân đội Ukraine. Theo Moscow, các lực lượng Ukraine giờ đây đang phải tập trung gia cố khả năng phòng không nhằm bảo vệ các thành phố trên cả nước trước mối đe dọa từ tên lửa Nga.

"Các cuộc tập kích đã buộc Ukraine phải chú ý hơn tới các thành phố nơi cảm giác bình yên tưởng chừng đã trở lại, trong đó có thủ đô Kiev", New York Times dẫn lời một chuyên gia nhận định.

Mối lo ngại từ các trận tập kích trong tương lai của Nga ngày càng gia tăng khi Moscow đã điều động các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS đến căn cứ không quân Olenya ở vùng Murmansk. Trong đợt tập kích đầu tiên vào ngày 10 và 11/10 vừa qua, các máy bay ném bom của Nga đã xuất kích từ chính căn cứ này và dội "mưa tên lửa" vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.

Các vụ tập kích tên lửa của Nga tác động thế nào tới xung đột Ukraine? - 2
Một tòa nhà bị hư hỏng nghiêm trọng sau vụ tập kích của quân đội Nga (Ảnh: Reuters).

Thượng nghị sĩ Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ngày 10/10 tuyên bố vụ tập kích thủ đô Kiev vào ngày 10/10 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, quân đội Nga ngày hôm nay đã chính thức bước vào giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chúng ta sẽ hành động quyết đoán hơn nữa", ông Bondarev nói.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các trận tập kích tên lửa của quân đội Nga sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới cục diện chiến trường Ukraine. Thay vào đó, nó chỉ mang tính chất của một phản ứng nhất thời nhằm trả đũa vụ tấn công cầu Crimea mà Moscow cáo buộc Kiev là chủ mưu. Giới phân tích cũng chia sẻ quan điểm rằng kho tên lửa của Nga vào thời điểm hiện tại là có hạn và vì vậy Moscow khó lòng duy trì cường độ tập kích dữ dội trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các trận tập kích tên lửa và UAV cảm tử của Nga đã khiến các đồng minh phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự hạng nặng cho Ukraine. Số khí tài này không chỉ bao gồm các hệ thống phòng không hiện đại mà còn cả những vũ khí tấn công có uy lực và độ chính xác cao.

Ngay sau khi các trận tập kích tên lửa của Moscow qua đi, số vũ khí vừa được phương Tây viện trợ ồ ạt sẽ giúp quân đội Ukraine nhanh chóng lấy lại tốc độ cho chiến dịch phản công tại vùng lãnh thổ phía Đông và phía Nam.

Các vụ tập kích tên lửa của Nga tác động thế nào tới xung đột Ukraine? - 3

Máy bay ném bom Tu-160 "Thiên Nga Trắng" của Nga tại căn cứ không quân Olenya vào tháng 10/2022 (Ảnh: Defense Express).

Vào đầu tháng 10, quân đội Ukraine đã tổ chức những đợt tấn công lớn nhằm nhanh chóng kiểm soát một số cao điểm chiến lược tại vùng ly khai Lugansk. 

"Đối phương đang nỗ lực giành quyền kiểm soát cao điểm chiến lược ở phía Bắc thành phố Svatovo. Cao điểm này cung cấp một tầm nhìn bao quát tuyến đường huyết mạch đi qua Svatovo dẫn đến Kremennaya và Severodonetsk. Nếu chiếm được cao điểm này, pháo binh Ukraine sẽ có vị trí thuận lợi để tấn công các khu vực tập trung đông người ở Lugansk", ông Vitaly Kiselyov, trợ lý Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, cho biết hôm 7/10.

Ông Kiselyov cũng thừa nhận quân đội Ukraine đang chuẩn bị "một lực lượng khổng lồ bao gồm quân chính quy, lính tình nguyện nước ngoài và lực lượng phòng vệ lãnh thổ" nhằm giành quyền kiểm soát LPR trong tương lai gần.

Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng Moscow cần phải tận dụng khoảng thời gian này để gia cố tuyến phòng thủ tại các mặt trận then chốt như Lugansk và Kherson. Hơn 150.000 lính dự bị cùng vũ khí tiếp viện nhiều khả năng sẽ được điều đến các khu vực này trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là sau khi con đường tiếp tế huyết mạch thông qua cầu Crimea đã buộc phải dừng hoạt động.

Trước đó, nhà chức trách Nga cho rằng cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối liền bán đảo Crimea với lãnh thổ Nga sẽ chỉ có thể hoàn thành việc sửa chữa sau 9 tháng. Trong thời gian này, toàn bộ việc chi viện cho các lực lượng phòng thủ thân Nga tại miền Nam Ukraine sẽ phải đi đường vòng qua khu vực Donbass hoặc sử dụng đường biển.

Theo New York Times, Guardian, Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine