Các nước Nam Mỹ ngăn đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc đánh bắt tận diệt
(Dân trí) - Bốn quốc gia Nam Mỹ công bố kế hoạch xây dựng khu bảo tồn chung nhằm ngăn đội tàu cá hàng trăm chiếc của Trung Quốc ồ ạt đánh bắt, gây nguy hại tới môi trường và sinh kế của ngư dân địa phương.
Đầu tuần này, chính phủ các nước Ecuador, Colombia, Panama, Costa Rica công bố kế hoạch lập khu bảo tồn kéo dài từ quần đảo Galapagos vào hành lang biển từ đảo Malpelo của Colombia tới đảo Cocos và Coiba ngoài khơi Trung Mỹ. Nỗ lực này sẽ giúp các nước lập vùng cấm đánh bắt cá chung trên khu vực biển diện tích nửa triệu km2.
Theo Wall Street Journal, các nhà bảo tồn học đánh giá rất cao nỗ lực của các nước Mỹ Latinh trong việc mở rộng khu bảo tồn ở Thái Bình Dương từ Ecuador tới Trung Mỹ để ngăn các tàu cá Trung Quốc tràn vào đánh bắt cạn kiệt nguồn hải sản.
"Điều tuyệt vời nhất trong dự án này chính là việc đây là khu bảo tồn đa quốc gia đầu tiên trên thế giới. Đó là một bước đi quan trọng. Chúng tôi có công nghệ giúp bảo vệ khu vực và các vệ tinh có thể cung cấp thông tin quan trọng", chuyên gia chính sách đại dương Maximiliano Bello, nhận định.
Dù các quốc gia Mỹ Latinh không nêu đích danh Trung Quốc khi công bố khu bảo tồn hàng hải mới, nhưng trong quá khứ, họ từng lên tiếng về cách hành xử của các đội tàu cá Trung Quốc vận hành từ Argentina tới Mexico. Các nhà môi trường học cáo buộc hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt ồ ạt ở vùng biển ngoài khơi Mỹ Latinh để bắt mực ống khổng lồ, đe dọa tính bền vững của nguồn thức ăn quan trọng trong chuỗi thức ăn cho các loài động vật biển khác, bao gồm cá voi lưng gù, cá đuối, rùa khổng lồ và cá mập đầu búa.
Nhà bảo tồn Milko Schvartzman người Argentina gọi vấn đề này là "quả bom hẹn giờ sinh thái. Nó gây ra thiệt hại cho toàn bộ chuỗi thực phẩm".
Ông Schvartzman cho biết, ông ước tính khoảng 800 tàu cá Trung Quốc ở khu vực biển Nam Mỹ trong năm nay. Hai mươi năm trước, khi các tàu cá Trung Quốc lần đầu tiên tới khu vực này đánh cá, nhóm tàu này chỉ có khoảng 50 chiếc.
Mỹ cho rằng các hoạt động đánh cá bất hợp pháp cũng gây ảnh hưởng tới kinh tế địa phương tại các quốc gia đang phát triển. Washington cũng coi đánh bắt bất hợp pháp là mối đe dọa an ninh hàng hải lớn nhất thế giới, vượt hơn cả cướp biển.
Phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận khi Wall Street Journal đề nghị. Trong quá khứ, Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ không khoan nhượng với hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp và kêu gọi các ngư dân Trung Quốc tuân thủ luật hàng hải của các nước như Ecuador.
Đánh bắt tận diệt
Vùng biển lạnh và sâu ở Thái Bình Dương kéo dài từ Nam Cực đến Bắc Mỹ có một trong những hệ sinh thái biển đa dạng sinh học nhất thế giới. Nó cũng là một trong những ngư trường phong phú nhất. Những điều này đã thu hút các tàu đánh cá từ bên ngoài châu Mỹ Latinh, dẫn đến việc đánh bắt bất hợp pháp gia tăng.
Các đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc có khả năng ở trên biển hàng tháng trời đánh bắt cá trong vùng biển quốc tế bên ngoài các nước Mỹ Latinh. Chính phủ các nước nhiều lần cáo buộc đội tàu Trung Quốc đang đánh bắt quá mức và làm tổn hại đến ngành ngư nghiệp địa phương, vốn không có khả năng cạnh tranh với tàu cá nước ngoài.
Ngoại trưởng Ecuador Mauricio Montalvo cho rằng, vấn đề ở đây chính là quy mô lớn của đội tàu cá Trung Quốc.
"Có tới 300 tàu cùng tàu đông lạnh khổng lồ đậu hàng tháng trời ở các đại dương để đánh bắt và chế biến hải sản tại chỗ. Chúng tôi cảnh giác và cố gắng kiểm soát, nhưng không làm được gì nhiều", ông Montalvo thừa nhận.
Các nhà bảo tồn đã cảnh báo về tình trạng khai thác quá mức ở vùng biển quanh đảo Galapagos của Ecuador. Họ cho rằng sức ép chưa từng có tiền lệ từ hoạt động đánh bắt ồ ạt cá mập và các loài sinh vật khác đã đe dọa hệ sinh thái biển tại quần đảo nổi tiếng thế giới này.
Dù ủng hộ sáng kiến lập khu bảo tồn chung, nhưng các nhà môi trường học cho rằng, việc thực thi nó có thể sẽ khó khăn vì các nước Mỹ Latinh thiếu ngân sách, cũng như thiếu năng lực kiểm soát và tuần tra ở khu vực này.