1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thuyền viên Indonesia tiết lộ thời gian kinh hoàng trên tàu cá Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Thuyền viên Indonesia cáo buộc tàu cá Trung Quốc ngược đãi, không trả lương, khiến họ phải nhảy xuống vùng biển Somali để tìm cách trốn thoát.

Thuyền viên Indonesia tiết lộ thời gian kinh hoàng trên tàu cá Trung Quốc - 1

Thuyền viên Indonesia Aji Proyogo (ngồi phía trước, đi ủng nâu, tóc dài) tử vong sau khi nhảy xuống biển cùng Brando Brayend Tewuh để thoát khỏi tàu cá. (Ảnh: SCMP).

Vào tháng 8, Brando Brayend Tewuh, 29 tuổi, cùng 3 người Indonesia khác đã nhảy từ tàu cá Trung Quốc xuống biển trong một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi sự ngược đãi với hy vọng đến được bờ biển Somalia. Nhưng nỗ lực của họ đã vô ích. Sau khi trôi dạt suốt nhiều giờ, 3 người trong số họ đã được vớt trở lại lên tàu, trong khi thuyền viên thứ 4 được cho là đã chết đuối.

"Tôi sẽ không bao giờ làm việc trên tàu nữa", Tewuh nói với This Week in Asia khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn trên tàu Trung Quốc.

Thuyền viên Indonesia đã được giải thoát sau khi có sự can thiệp của các cơ quan giám sát cũng như chính quyền Indonesia và Somali.

Tewuh nhớ lại rằng anh từng làm việc suốt nhiều tháng mà không được trả lương, "thường xuyên làm việc suốt 24 giờ không ngủ và chỉ có ít lương thực" sau khi ký hợp đồng một năm làm việc trên các tàu thuộc đội tàu Liao Dong Yu của Trung Quốc.

Tai nạn chết người đầu tiên Tewuh trải qua là vào tháng 7/2020, khi anh và các thuyền viên trên tàu vừa xong ca trực 24 giờ mà không được ngủ. Họ đang ăn trưa thì một hồi chuông gọi họ trở lại boong để kéo lưới đánh cá lên.

"Lưới rất nặng vì nó kéo theo rất nhiều cát cùng với cá. Khi chúng tôi kéo nó lên, dây xích bị đứt và lưới rơi trúng một thuyền viên người Trung Quốc tên Zhou Hsun Wei", Tewuh cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với SCMP từ Bắc Sulawesi, Indonesia.

Chiếc lưới nặng đã hất Zhou xuống biển. Thi thể của thuyền viên này được tìm thấy 5 giờ sau đó, khi mắc vào lưới của một tàu cá khác.

"Tại sao một người tốt như Zhou Hsun Wei lại phải chết theo cách này. Anh ấy là thuyền viên Trung Quốc rất tốt với tất cả những người Indonesia chúng tôi. Anh ấy chia sẻ nước uống và đồ ăn của anh ấy cho chúng tôi", Tewuh nói, giọng anh nghẹn lại.

Thi thể của Zhou, 35 tuổi, ban đầu được giữ trong tủ đông lạnh nhưng sau đó đã bị vứt xuống biển. Điều này khiến Tewuh bị sốc. Tewuh nói rằng gia đình Zhou "lẽ ra có cơ hội nhìn thấy thi thể của anh ấy".

Một năm sau, một vụ việc tương tự cũng diễn ra trên một con tàu khác thuộc đội tàu Liao Dong Yu.

Lần này, dây xích giữ lưới bị đứt, rơi trúng hai thuyền viên người Indonesia. Một người chết trên thuyền, người còn lại rơi xuống biển và thi thể vẫn chưa được tìm thấy.

"Sau khi sự việc xảy ra, tôi và bạn bè của tôi vô cùng sợ hãi rằng điều tương tự có thể xảy ra với chúng tôi", Tewuh nói.

Trốn thoát bất thành

Thuyền viên Indonesia tiết lộ thời gian kinh hoàng trên tàu cá Trung Quốc - 2

Brando Brayend Tewuh (phải) đã nhảy từ một tàu cá Trung Quốc để thoát thân. Thuyền viên ở bên trái (khoanh tròn) là một trong những người đã nhảy cùng Tewuh và được cho là đã chết (Ảnh: SCMP).

Ngay cả khi hợp đồng của Tewuh hết hạn vào tháng 12 năm ngoái, thử thách với anh vẫn chưa kết thúc, vì con tàu mà Tewuh đang làm việc vào thời điểm đó đã từ chối cho anh hồi hương. Tewuh thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc, đổi lấy lương thực nhưng không được trả lương. Tuy nhiên, đến tháng 5, Tewuh đã từ chối làm việc.

Khoảng giữa tháng 6, Tewuh đã liên lạc được với bố mẹ qua điện thoại và báo động cho họ biết về tình trạng của mình. Tewuh cũng đăng một đoạn video về hoàn cảnh của mình lên Facebook. Đoạn video đã thu hút sự chú ý của Tổ chức giám sát đánh cá tận diệt Indonesia (DFW).

Ngày 15/8, Tewuh và 3 thuyền viên người Indonesia quyết định tận dụng cơ hội bằng cách nhảy khỏi tàu cá Trung Quốc khi trời tối.

"Chúng tôi không biết mình đang ở đâu và bờ biển cách rất xa. Chúng tôi cố gắng ở gần nhau nhưng bị sóng lớn đánh và tôi bị tách khỏi hai người họ", Tewuh nhớ lại.

Tewuh và người bạn Aji Proyogo ban đầu vẫn nắm tay nhau, nhưng vài giờ sau đó họ đành phải tách nhau ra. Trong khi đó, con tàu mà họ nhảy xuống đã đuổi theo họ.

"Con tàu đã tìm thấy chúng tôi và ném một sợi dây vào tôi. Khi tôi đưa tay ra bắt sợi dây, tay Aji tuột khỏi tay tôi và biến mất. Xác của anh ấy vẫn chưa được tìm thấy", Tewuh kể lại. Hai thuyền viên còn lại cũng được tàu vớt lên.

Mặc dù nỗ lực trốn thoát đó không thành công, nhưng Tewuh và 11 người Indonesia khác đã được chủ tàu cho hồi hương vào ngày 28/8 sau áp lực từ DFW, Tổ chức Công lý Môi trường, Phái đoàn Công lý Quốc tế và chính phủ Somali và Indonesia.

Tewuh vẫn đang thất nghiệp và hy vọng có thể tự kinh doanh để giúp gia đình, nhưng anh không có tiền vì công ty đánh cá vẫn giữ tiền lương của anh và anh không biết khi nào sẽ được trả lương.

Moh Abdi Suhufan, điều phối viên quốc gia của DFW, cho biết ít nhất 35 người Indonesia làm việc trên tàu cá nước ngoài đã chết trong khoảng thời gian từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2021. Trong số 35 người này, 82% làm việc trên các tàu từ Trung Quốc.

"Họ chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau - bệnh tật, bạo lực dưới hình thức đánh đập và tra tấn, giết người, điều kiện làm việc tồi tệ, cung cấp thức ăn và nước uống không đầy đủ. Tất cả những yếu tố này cho thấy các thuyền viên trên tàu phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng cao", Abdi nói.

Abdi cũng cho biết nhiều thuyền viên đã được tuyển dụng bởi các cơ sở bất hợp pháp, những người không đăng ký với cơ quan phụ trách lao động hoặc giao thông vận tải. Mặc dù không có số liệu chính xác, nhưng ước tính có ít nhất 300.000 người Indonesia làm việc hợp pháp và bất hợp pháp trên các tàu.

Abdi cho biết những lao động như vậy được trả từ 350-400 USD/tháng, nhưng thường các cơ sở tuyển dụng sẽ cắt lương của họ hoặc giữ lại lương và sau đó "biến mất".

"Họ là nạn nhân của lao động cưỡng bức và buôn người và họ không được bảo vệ khi làm việc bên ngoài đất nước. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự bất lực của Indonesia trong việc trấn áp các đại lý hoạt động bất hợp pháp khi tuyển dụng lao động mà không tuân thủ các quy trình thích hợp", Abdi cho biết thêm.