Cuộc xung đột Israel - Hezbollah:
Cả hai phía đều sẽ tuyên bố chiến thắng!
(Dân trí) - Khi cuộc chiến tại Libăng kết thúc, cả Hezbollah và Israel đều muốn tuyên bố đã giành chiến thắng. Đối với cả hai, một lời tuyên bố thắng lợi có các ý nghĩa sống còn chứ không chỉ đơn thuần là các ngôn từ hoa mỹ.
Hezbollah chắc chắn sẽ bị đẩy xa khỏi biên giới Israel, nhưng vị thế của tổ chức này trong thế giới Ảrập sẽ lên cao sau cuộc chiến. Trong khi Israel đạt được mục đích đẩy Hezbollah ra khỏi cửa ngõ biên giới, thì Hezbollah vẫn có thể tuyên bố rằng họ đã kháng cự Israel và đã vượt qua cuộc thử thách khắc nghiệt.
Do cả hai phía đều ngấm ngầm khát khao chiến thắng, nên một cuộc biểu dương sức mạnh lớn hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào thời điểm trước khi một thỏa thuận ngừng bắn được dàn xếp. Theo đó, phía Hezbollah có thể mở một cuộc tấn công tên lửa vào Tel Aviv, còn Israel có thể mở một cuộc tấn công quy mô lớn trên bộ theo hướng Bắc sông Litani.
Israel hy vọng rằng cuộc tấn công lớn vào Libăng, vốn đã làm thiệt mạng gần 900 người, sẽ gửi một cảnh báo tới Iran, Syria và tới tất cả các nhóm Hồi giáo cực đoan khác ở Trung Đông rằng cái giá phải trả cho việc tấn công vào nhà nước Do Thái là tàn khốc. Việc họ vượt qua cuộc tấn công của hơn 2.400 quả tên lửa của Hezbollah trong 24 ngày qua sẽ là một thông điệp mạnh mẽ mang tính thách thức đối với những kẻ thù của dân tộc Do Thái.
Tuy nhiên, Israel vẫn chưa có được sự "răn đe" như nước này đã kỳ vọng. Về phía Hezbollah, bất chấp các cuộc tấn công đáp trả của các lực lượng Israel, nhóm này vẫn duy trì các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel. Chỉ tính riêng trong ngày 4/8, Hezbollah đã bắn khoảng 190 quả tên lửa vào Israel, làm chết ba người. Cũng trong ngày 4/8, Hezbollah đã thực hiện đúng lời đe dọa sẽ tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Israel khi lần đầu tiên bắn một quả tên lửa vào thị trấn Hadera, cách biên giới Israel-Libăng khoảng 75 km về phía Nam.
Điều kiện ban đầu của Israel cho một cuộc ngừng bắn là giải giáp Hezbollah đã bị thay thế bằng một mục tiêu khiêm tốn hơn nhiều, đó là đẩy lực lượng Hezbollah ra xa biên giới và tạo ra một khu vực đệm trên lãnh thổ Libăng để triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế mới.
Còn Hezbollah, họ đã tự chứng minh rằng mình là một đối thủ đáng gờm hơn nhiều so với dự kiến. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến từ ngày 12/7 đến nay, đã có 44 binh sĩ Israel chết và khoảng 30 dân thường nước này thiệt mạng trong các cuộc tấn công tên lửa của Hezbollah.
Hezbollah tự cho rằng họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này bởi mức độ tín nhiệm của cộng đồng người Shiite sau cuộc chiến này đã lên rất cao. Điều tương tự cũng diễn ra đối với cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới. Họ đã chiến đấu ngang ngửa với Israel trong suốt ba tuần qua mà không hề khuất phục.
Đối với Israel, lời tuyên bố chiến thắng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng . Cuộc xung đột tại Libăng đã khuếch đại cái cảm giác vốn ngấm sâu vào mỗi người Israel rằng họ đang bị kẻ thù, những kẻ muốn họ phải chết bao vây. Hầu hết người dân Israel đều tin rằng họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này và đang coi việc chiến thắng như một yếu tố quan trọng đối với nền an ninh lâu dài của nhà nước Do Thái.
Sau các vụ tấn công bằng tên lửa của Hezbollah vào lãnh thổ, nhận thức về nguy cơ bị tấn công của Israel đã thay đổi. Người Israel đã bắt đầu hồi tưởng lại các vụ tấn công bằng tên lửa Scud hồi tháng 1/1991 từ Iraq nếu không đến mức độ cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Điều này giải thích tại sao tỷ lệ người dân Israel ủng hộ chiến dịch quân sự ở Libăng lại vẫn cao đến vậy, bất chấp việc các phương tiện truyền thông Israel phàn nàn rằng cuộc chiến này đã được không được chuẩn bị chu đáo.
Đài truyền hình Channel 10 của Israel ngày 4/8 công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy có tới 84% dân chúng Israel hài lòng với khả năng thực hiện nhiệm vụ của quân đội trong khi chỉ có 8% nói là họ không hài lòng.
Hầu hết các nhà quan sát về Trung Đông đều nhất trí rằng để chứng tỏ là một người chiến thắng, Hezbollah chỉ cần chứng tỏ sau khi kết thúc cuộc xung đột này là bộ máy chiến tranh của tổ chức này vẫn còn hoạt động, điều cho đến lúc này cho thấy là rất có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel từ năm 1988-1992, William Brown lại cảnh báo ngay cả khi Israel đẩy được Hezbollah ra xa khỏi khu vực biên giới của nước này, thì tên lửa của nhóm vũ trang Hồi giáo vẫn có thể bắn qua đầu các lực lượng gìn giữ hòa bình để tới Israel.
Ông Brown nói: "Nếu các ngài không có một giải pháp toàn diện hơn, vũ khí vẫn sẽ tiếp tục từ Iran chuyển vào Libăng qua đường Syria".
Tuần báo "Jane's Defence" ngày 3/8 dẫn các nguồn tin ngoại giao phương Tây giấu tên cho biết trong những tháng tới, Iran sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không cho Hezbollah nhằm tăng cường khả năng phòng thủ nhóm du kích này đối với không quân Israel.
Trong một cuộc hội đàm hồi tháng trước, nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite này đã kêu gọi Tehran "đẩy nhanh và gia tăng chuyển vũ khí từ Iran đến cho lực lượng Kháng chiến Hồi giáo Hezbollah, đặc biệt là các tên lửa tân tiến để tấn công các mục tiêu trên bộ và trên không". Nhà cầm quyền Iran đã chuyển một thông điệp đến lãnh đạo Hezbollah rằng lực lượng của họ sẽ tiếp tục nhận được nguồn cung cấp vũ khí ổn định.Báo này cho biết thêm Iran đã cung cấp cho Hezbollah loại tên lửa Noor đối hạm được điều khiển bằng rađa do Iran sản xuất và loại tên lửa vác vai QW-1 (Tiền phong) của Trung Quốc.
Cuộc chiến này còn có thể kéo dài nhiều tuần nữa, nhưng các kết quả trên thực địa cho thấy, dù Israel có nỗ lực nhiều hơn thế, thì việc giải giáp Hezbollah trong một sớm một chiều là điều chẳng hề dễ dàng. Và dù ai tuyên bố chiến thắng thì "Lò lửa Trung Đông" sẽ vẫn còn cháy, sẽ vẫn là mối quan ngại của cộng đồng quốc tế trong nhiều thập kỷ nữa.
N.K
Theo AP