Khủng hoảng ở Trung Đông
Kẻ tranh, người chọn
Không chỉ có Israel, mà cả Libăng cũng đều đã bày tỏ mong muốn Italy, chứ không phải Pháp, đứng ra đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng quân đội quốc tế sẽ được triển khai tại miền Nam Libăng. Cho dù Pháp vẫn rất muốn đóng vai trò này, nhưng Ý đã thể hiện là sẽ không từ chối một khi được trao cờ vào tay.
Tất cả đều có lý do riêng của nó. Pháp muốn chỉ huy nhưng không muốn điều động nhiều quân đội đến, cụ thể là chỉ sẵn sàng gửi 200, có thể lên tới 400, trong tổng số 13.000 quân cần cho lực lượng này. Con tính của Pháp là: như vậy lợi nhiều mà rủi ro ít. Cả Israel lẫn Li-ăng vì thế đều cho rằng Pháp sẽ không toàn tâm toàn ý trong sứ mệnh này. Israel còn lo ngại Pháp có quan hệ gắn bó truyền thống với Libăng.
Cả hai muốn Italy đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng quốc tế vì Italy đã cam kết gửi đến 3.000 quân, như vậy “xứng đáng” để sắm vai chỉ huy. Đồng thời, họ lên tiếng ủng hộ Italy cũng còn là phản đối chính sách vị kỷ và nửa vời của Pháp. Họ vừa có thể chia rẽ Pháp với Italy lại vừa có thể dùng Italy để kích Pháp phải đóng góp nhiều hơn vào giải pháp hòa bình ở khu vực.
Đối với Italy, việc gửi nhiều quân nhất cũng như sự sẵn sàng đảm nhận cương vị chỉ huy lực lượng quân đội quốc tế là cơ hội để tạo dựng vai trò và tăng cường ảnh hưởng ở khu vực, nhất là khi các nước khác ở châu Âu rất ngần ngại hoặc không dám gửi quân đội tham gia.
Lâu nay, cửa ngõ duy nhất của Italy ở khu vực này là Lybia. Thủ tướng Italy R.Prodi còn cần có một động thái để cân bằng với quyết định rút quân đội Italy ra khỏi Iraq và để không bị coi là “quá tả" trong chính sách.
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Pháp và Italy tạo cơ hội cho Israel và Libăng lựa chọn. Cung cách như vậy đủ để cho thấy bên nào chi phối bên nào trong câu chuyện này. LHQ không dễ gì kiếm được đủ 13.000 quân và lại càng không dễ có được một sứ mệnh thành công với lực lượng ấy.
Theo K.N
Thanh niên