1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bùng nổ tranh cãi khi Trung Quốc ưu ái người tiêm vắc xin "made in China"

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc Bắc Kinh thông báo rằng công dân nước ngoài đã tiêm vắc xin Covid-19 "made in China" sẽ được ưu ái hơn khi nhập cảnh đang gây nhiều tranh cãi, nhất là tại những nước không dùng vắc xin này.

Bùng nổ tranh cãi khi Trung Quốc ưu ái người tiêm vắc xin made in China - 1

Một người đàn ông được tiêm vắc xin tại Trung Quốc (Theo Reuters).

Gần đây, các du học sinh, dân kinh doanh và lao động ở Ấn Độ, Thái Lan và nhiều nước khác đang cách để trở lại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, quy định cấp "thị thực vắc xin" cho lao động nước ngoài của chính quyền nước sở tại đang làm bùng nổ nhiều tranh cãi.

Hồi tuần trước, ít nhất 28 đại sứ quán Trung Quốc, trong đó có cơ quan đại diện ở Australia, Hàn Quốc, Nigeria, Italia, Pakistan và Indonesia, ra thông báo cho biết công dân nước ngoài và các thân nhân đến Trung Quốc để làm việc sẽ không cần cung cấp thêm thông tin thị thực nếu họ có thể chứng minh rằng đã được tiêm vắc xin do Trung Quốc sản xuất. Những người khác phải thực hiện theo các yêu cầu nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như phải có thư mời từ cơ quan ngoại giao, tổ chức thương mại hoặc doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Thông báo cũng cho biết, việc đơn giản hóa các thủ tục như vậy cũng được áp dụng cho những người nộp đơn xin thị thực khẩn cấp vì lý do nhân đạo, chẳng hạn như chăm sóc người thân bị bệnh nặng hoặc tham dự lễ tang.  Nhưng thông báo mới nhất này lại không đề cập đến hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài.

Tại Ấn Độ, nơi chỉ có chưa đến 3% dân số đã được tiêm phòng và không có vắc xin Trung Quốc, thông báo của chính quyền Trung Quốc đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt trên Twitter. Nhiều người tranh luận về một số phương án khả thi, bao gồm cả việc đăng ký tiêm chủng ở nước thứ ba, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hoặc Nepal trước khi đến Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí đắt đỏ, có thể lên tới hàng nghìn USD. Đó là chưa kể việc phải tới quốc gia quá cảnh và có khả năng lây nhiễm Covid-19 khi di chuyển nhiều nơi.

Tại Thái Lan, nơi chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho một nửa dân số - khoảng 33 triệu người - vào cuối năm nay, chiến dịch tiêm phòng trên thực tế đang diễn ra quá chậm. Thái Lan có số sinh viên nước ngoài lớn thứ hai ở Trung Quốc, nhưng hầu hết trong số này hiện đã về nước và có nhu cầu quay trở lại. Thái Lan hiện đã nhận được 1 triệu liều vắc xin từ công ty Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh và dự kiến sẽ tiêm thêm 1 triệu liều vào tháng tới, nhưng cho đến nay nước này mới chỉ tiêm phòng cho khoảng 60.000 người.

Hồi năm ngoái, Sireethon Kowitveetham, 35 tuổi, một sinh viên Thái Lan tốt nghiệp ngành Trung Quốc học tại Đại học Chiết Giang đã gửi đề xuất có 1.000 chữ ký đến chính phủ Thái Lan và cả Trung Quốc, yêu cầu cho phép họ quay trở lại trường học. Tuy nhiên, cả hai chính phủ đều không phản hồi.

"Chúng tôi chia từng nhóm theo mức độ ưu tiên. Ví dụ, các sinh viên y khoa phải hoàn thành khóa thực tập ở Trung Quốc cần được quay lại trước", cô nói.

Trước thông báo mới từ Trung Quốc, nhiều người dân Ấn Độ cho rằng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ nên có kho vắc xin Trung Quốc và cung cấp cho người nộp đơn trước khi cấp thị thực cho họ.

"Quy trình tương tự có thể được Ấn Độ áp dụng cho những người Trung Quốc muốn đến Ấn Độ. Tôi cũng đánh giá cao và hiểu rằng một quốc gia có thể muốn bảo vệ người dân bằng cách chỉ tin tưởng vào vắc xin của chính họ", Tapan Gadodia, một doanh nhân người Ấn Độ, cho hay.

Hồi tuần trước, khi được hỏi liệu Trung Quốc có xem xét cho phép người nước ngoài đã tiêm vắc xin đã được WHO phê duyệt hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, các nhà sản xuất có thể "nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền ở Trung Quốc và cơ quan này sẽ đưa ra quyết định hợp lý".

Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến lược ngoại giao vắc xin và tích cực cung cấp vắc xin do nước này tự sản xuất cho các quốc gia đồng minh hoặc những nước đang thiếu hụt vắc nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho tới nay Bắc Kinh chưa phê chuẩn bất kỳ vắc xin nước ngoài nào để sử dụng tại Trung Quốc.