1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Singapore vẫn "đắp chiếu" vắc xin Covid-19 Trung Quốc tặng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Singapore nhận vắc xin Covid-19 do Trung Quốc tặng hơn 1 tháng trước, nhưng lô chế phẩm vẫn nằm bất động trong kho vì những đảo quốc này chưa có đủ thông tin để có thể xem xét cấp phép.

Singapore vẫn đắp chiếu vắc xin Covid-19 Trung Quốc tặng - 1

Người dân Singapore tới một trung tâm vắc xin hôm 8/3 (Ảnh minh họa: Washington Post). 

Ngày 23/2, một lô vắc xin Covid-19 của Sinovac âm thầm được chuyển tới Singapore từ Trung Quốc như một món quà. Tuy nhiên, đến lúc này, lô vắc xin vẫn nằm im trong kho.

Quốc đảo giàu có đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng với vắc xin của Moderna (Mỹ), và liên doanh Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức). Trong khi đó, các quan chức Singapore nói rằng vắc xin Sinovac của Trung Quốc cần có thêm nhiều dữ liệu để phía quốc gia Đông Nam Á có căn cứ để cấp phép.  

Trong trường hợp của Singapore, quốc đảo này có dân số nhỏ chỉ vào khoảng 5,7 triệu người và họ có nhiều lựa chọn vắc xin hơn từ Moderna hay Pfizer-BioNTech.

Chong Ja Ian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết chính phủ Singapore không từ chối món quà vắc xin Sinovac, vì điều này sẽ khiến Bắc Kinh "mếch lòng", nhưng các nhà quản lý cũng không thể phê duyệt việc sử dụng vắc xin này trên những dữ liệu còn hạn chế như vậy.

Cơ quan y tế Singapore tuần này nói rằng họ bắt đầu xem xét dữ liệu Sinovac gửi, nhưng họ vẫn cần thêm các thông tin cần thiết khác.

Thông tin chưa rõ ràng
 
Theo Washington Post, vụ việc cho thấy sự hạn chế của sáng kiến "ngoại giao vắc xin" Bắc Kinh. Giới quan sát cho rằng việc chưa rõ ràng trong chuyện cung cấp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vắc xin dường như có thể làm ảnh hưởng tới lòng tin của công chúng tại các quốc gia được tặng vắc xin.
 
Các công ty vắc xin Sinovac và Sinopharm là hai trong số nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng các chế phẩm ngăn bệnh Covid-19. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ vì sao họ chưa công khai dữ liệu từ các thử nghiệm này, ngay cả sau khi chính phủ nhiều nước đã "bật đèn xanh" cho việc sử dụng khẩn cấp các vắc xin này.
 
"Điều này thật bất thường và đặt ra hàng loạt câu hỏi", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Anh Peter English nhận định về việc vắc xin của Trung Quốc vẫn được sử dụng ở một số nơi dù chưa công bố các dữ liệu đã được bình duyệt.
 
Thông thường, các nhà sản xuất vắc xin sẽ công bố dữ liệu nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 trên các tạp chí khoa học để được bình duyệt trước khi vắc xin được cấp phép sử dụng. Cả Moderna và Pfizer-BioNTech đều đã công bố dữ liệu của họ trên tạp chí y khoa New England Journal hồi cuối năm ngoái.
 
Có một số dấu hiệu cho thấy 2 vắc xin Sinovac và Sinopharm đạt hiệu quả thấp hơn kỳ vọng, dù Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy người nước ngoài sử dụng chế phẩm này, và có chính sách ưu tiên những người đã tiêm các vắc xin của nước này được nhập cảnh vào Trung Quốc. Hồi tuần này, nhà phân phối vắc xin Sinopharm tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cho biết "có một số lượng rất ít" người được mời tới tiêm liều thứ 3 sau khi không đạt được phản ứng miễn dịch sau khi tiêm 2 liều đầu.
 
Trong khi đó, thông tin về chỉ số hiệu quả của Sinovac và Sinopharm vẫn chưa được cung cấp cụ thể. Thậm chí, trong các thử nghiệm ở Brazil, tỷ lệ hiệu quả của Sinovac là 50,4%, nhưng tại Thổ Nhĩ Kỳ con số này lại trên 80%. Trong khi đó, Sinopharm công bố hiệu quả vắc xin của họ là 79%.
 
Mặt khác, phía Trung Quốc lại thường hay lảng tránh các câu hỏi về việc khi nào họ sẽ cung cấp dữ liệu về vắc xin. Trong bài phỏng vấn với Thời báo Hoàn cầu tháng này, chuyên gia vắc xin Trung Quốc Shao Yiming nói rằng các quốc gia mà Sinovac và Sinopharm thử nghiệm vắc xin, như Brazil và UAE, mới là những bên có trách nhiệm đăng tải dữ liệu, chứ không phải là Trung Quốc.