Bức tranh ảm đạm về cuộc khủng hoảng tại Venezuela
(Dân trí) - Những hệ quả của cuộc khủng hoảng chính trị, nhân đạo và kinh tế tại Venezuela ngày càng trở nên trầm trọng khi nền kinh tế “rơi tự do”, lương thực thiếu thốn, y tế xuống cấp, thất nghiệp tăng vọt khiến hàng triệu người dân phải rời bỏ đất nước trong những năm vừa qua.
Cuộc khủng hoảng đáng bạo động tại Venezuela tiếp tục bị đẩy lên cao trào vào ngày 23/1 khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự nhận là tổng thống lâm thời của nước này. Mỹ và một số quốc gia nhanh chóng công nhận ông Guaido là tổng thống “hợp pháp” của quốc gia Nam Mỹ, trong khi đương kim Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố không từ chức.
Truyền thông phương Tây đã phân tích những vấn đề “nóng” dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela.
Siêu lạm phát
Theo BBC, vấn đề lớn nhất mà người dân Venezuela đang phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày là siêu lạm phát.
Lạm phát cao đồng nghĩa với việc người dân không đủ khả năng mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Khi giá cả leo thang, lương thực và thuốc men trở thành những mặt hàng xa xỉ với người Venezuela. Cuộc sống khó khăn khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời bỏ nhà cửa để tới miền đất mới.
Cũng vào thời điểm cuối năm 2018, trung bình cứ 19 ngày giá cả tại Venezuela lại tăng gấp đôi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tỷ lệ lạm phát tại Venezuela đạt tới ngưỡng 1,37 triệu % cuối năm ngoái. Năm 2019, IMF dự đoán con số này có thể lên tới 10 triệu %.
Tổng thống Nicolas Maduro năm 2018 đã thực thi chính sách xóa 5 số 0 trên đồng nội tệ Bolivar nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát tăng cao. Số đồng Bolivar đủ để mua 1 USD cũng tăng “chóng mặt”.
“Trước khi ông Maduro ra thông báo (xóa 5 số 0) hôm thứ 6, một kg đào có giá khoảng 1,1 triệu Bolivar. Đến ngày thứ 3, giá tăng gần gấp đôi, lên 2,1 triệu Bolivar cũ, hay 21 đồng Bolivar mới”, bài viết trên Washington Post thống kê hồi tháng 8/2018.
GDP xuống dốc
Tỷ lệ lạm phát tăng vọt khiến người Venezuela không đủ tiền mua nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày. (Ảnh: BBC)
Venezuela từng tự hào là nền kinh tế giàu có nhất khu vực Mỹ Latinh nhờ sở hữu trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Tuy vậy, tình trạng tham nhũng, quản lý yếu kém và nợ cao đã khiến nền kinh tế Venezuela xuống dốc, theo BBC.
Washington Post dẫn thống kê của IMF được công bố hồi tháng 1, trong vòng 6 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela đã giảm một nửa.
Cựu Tổng thống Hugo Chavez đã tận dụng sự bùng nổ của thị trường dầu mỏ trong thập niên 2000 để vay mượn và chi tiêu của chính phủ Venezuela khi đó cũng tăng vọt. Sau đó, tới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Maduro, nền kinh tế Venezuela đã rơi vào tình trạng “rơi tự do”.
Ông Maduro đổ lỗi cho “chủ nghĩa đế quốc”, gồm Mỹ và châu Âu, vì đã phát động “cuộc chiến kinh tế” chống lại Venezuela và áp đặt các lệnh trừng phạt lên các thành viên trong chính phủ của ông. Trong khi đó, giá dầu sụt giảm trong năm 2016 được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tại một trong những quốc gia “sống nhờ” vào dầu mỏ như Venezuela.
Sản lượng dầu sụt giảm
Từng là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng trong những năm gần đây, sai lầm trong quản lý tại Venezuela dẫn tới sự sụt giảm cả về sản xuất và xuất khẩu, từ đó gây tổn hại tới nền kinh tế.
Vài năm sau khi lên nắm quyền hồi năm 1999, cố Tổng thống Chavez đã sa thải hàng nghìn nhân viên tại công ty dầu khí nhà nước Petróleos de Venezuela sau cuộc đình công gây tranh cãi. Ông Chavez về cơ bản cũng thay thế các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất dầu bằng những người trung thành.
Tới thời điểm giữa thập niên 2000 khi giá dầu tăng cao, Tổng thống Chavez đã rót nguồn thu từ dầu mỏ vào các chương trình phúc lợi xã hội, bao gồm việc thiết lập giá xăng dầu trong nước thấp tới mức đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng vọt. Tuy nhiên kế hoạch của nhà lãnh đạo Venezuela không bền vững. Khi giá dầu giảm từ hơn 100 USD/thùng vào năm 2014 xuống còn chưa đầy 30 USD/thùng vào đầu năm 2016, nền kinh tế Venezuela ngày càng trầm trọng.
"Đó là thời điểm bạn thấy việc quản lý kinh tế yếu kém trong vài năm qua kết hợp với việc giá dầu giảm mạnh thực sự bắt đầu gây tổn hại cho nền kinh tế Venezuela", Sarah Ladislaw, giám đốc chương trình an ninh quốc gia và năng lượng tại Trung tâm chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nhận định.
Điều kiện sống khó khăn
Nhiều người Venezuela phải trông chờ vào đồ ăn từ thiện do không đủ tiền mua lương thực. (Ảnh: Getty)
Theo BBC, người dân Venezuela ngày càng đói. Theo kết quả cuộc khảo sát về điều kiện sống hàng năm của người Venezuela Encovi 2017, 8/10 người nói rằng họ ăn ít đi vì không đủ lương thực tại nhà. 6/10 người cho biết họ phải nhịn đói đi ngủ vì không đủ tiền mua lương thực.
Thiếu lương thực ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe của người dân Venezuela. Hầu hết (64,3%) nói rằng họ bị sụt cân trong năm 2017, trung bình sụt 11,4kg, trong đó tập trung vào những người nghèo nhất.
Một số kết quả từ cuộc nghiên cứu cho thấy các bữa ăn tại Venezuela đều giảm về chất lượng và số lượng, 9/10 người nói rằng họ không đủ tiền để mua lương thực hàng ngày, 8,2 triệu người chỉ ăn 2 bữa/ngày hoặc ít hơn. Kết quả là, người dân Venezuela chuyển sang ăn rau hoặc những món từng được xem là đồ ăn của người nghèo.
Venezuela cũng đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca sốt rét trong những năm gần đây, ngược lại hoàn toàn với các nước láng giềng tại Mỹ Latinh. Từng là nước đầu tiên được chứng nhận xóa sổ bệnh sốt rét vào năm 1961, hiện có ít nhất 10 trên 24 bang tại Venezuela ghi nhận có trường hợp mắc bệnh này.
Venezuela từng đạt tiến triển đáng kể trong việc giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong và cam kết sẽ hành động nhiều hơn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên nghiên cứu được công bố tuần trước trên tạp chí Lancet Global Health ước tính tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở Venezuela đã tăng từ 15/1.000 ca sinh năm 2008 lên 21,1/1000 ca năm 2016.
Nhà nghiên cứu Jenny García nhận định "Venezuela đã mất 18 năm tiến bộ". Theo bà Jenny và các đồng nghiệp, nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc giảm ngân sách dành cho ngành y tế. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong được dự báo tiếp tục tăng vì Venezuela phải vật lộn với sự tái xuất của các bệnh như bạch hầu mà nước này từng kiểm soát thành công.
Di dân ồ ạt
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại thủ đô Caracas, Venezuela năm 2017. (Ảnh: Reuters)
Tất cả những yếu tố khó khăn trên khiến nhiều người dân Venezuela quyết định bỏ ra nước ngoài, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử khu vực.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, khoảng 3 triệu người Venezuela đã rời khỏi đất nước từ năm 2014. Phần lớn vượt biên sang Colombia, một số sang Ecuador, Peru và Chile. Nhiều người cũng xuống phía nam để tới Brazil.
Gánh nặng di dân từ Venezuela đã đè lên vai các nước lân cận. Colombia đã triển khai quân đội đến biên giới sau khi hàng trăm nghìn người Venezuela xâm nhập vào nước này đầu năm 2018. Những người bỏ trốn thuộc nhiều ngành nghề, trong đó có cả giáo viên và bác sĩ, những người không đủ khả năng tài chính để nuôi sống gia đình ở Venezuela.
Thành Đạt
Theo BBC, Washington Post