1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

4 kịch bản chính cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng tại Venezuela ngày càng tăng nhiệt kể từ khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời. Giới phân tích nhận định rằng quân đội Venezuela và sự tác động của Mỹ là những yếu tố chính có thể tác động tới cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ.

4 kịch bản chính cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela  - 1

Tổng thống Nicolas Maduro tham gia cuộc tập trận tại Venezuela ngày 27/1. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng trượt dốc với tỷ lệ lạm phát được dự báo chạm ngưỡng 10 triệu % trong năm nay, ông Juan Guaido, lãnh đạo quốc hội Venezuela, tuần trước tuyên bố sẽ “chính thức tiếp nhận quyền điều hành quốc gia” và chấm dứt quyền lực của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro.

Trong khi đó, Tổng thống Maduro cáo buộc Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm tại Venezuela. Ông Maduro cũng tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Washington.

AFP đã dự đoán 4 kịch bản có thể xảy ra với cuộc khủng hoảng tại Venezuela hiện nay.

Tổng thống Maduro vẫn nắm quyền

Theo chuyên gia Michael Shifter tại tổ chức Đối thoại liên Mỹ, mặc dù phe đối lập hy vọng quân đội sẽ “quay lưng” với Tổng thống Maduro, “song điều này khó có thể xảy ra”. Ông Shifter lưu ý rằng các lãnh đạo quân đội tại Venezuela gần đây đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ với chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Maduro.

Chuyên gia Hakim tin rằng nếu “phe đối lập không đoàn kết và quân đội vẫn duy trì sự ủng hộ với chính quyền (Maduro), một khả năng xảy ra là ông Maduro vẫn sẽ nắm quyền”.

Ông Maduro tái đắc cử tổng thống Venezuela từ tháng 5 năm ngoái sau cuộc bầu cử bị phe đối lập tẩy chay và các nước châu Âu cũng như Mỹ Latinh cáo buộc là gian lận. Nhiệm kỳ của ông dự kiến kéo dài tới năm 2025.

Theo chuyên gia Paul Hare tại Đại học Boston, Tổng thống Maduro có thể sẽ trông cậy vào sự hỗ trợ tài chính từ các đồng minh như Trung Quốc, Nga và Iran.

Venezuela hiện cung cấp khoảng 300.000 thùng dầu mỗi ngày cho Trung Quốc để trả dần khoản nợ 20 tỷ USD. Ngoài ra, theo số liệu từ các hãng tư vấn, Venezuela cũng nợ Nga 10,5 tỷ USD.

“Bắc Kinh và Moscow có thể sẽ cố gắng cứu giúp chính quyền (Maduro), có thể bằng cách đưa ra một số cải cách kinh tế và tái cấu trúc ngành dầu mỏ”, chuyên gia Hare nói.

Tuy nhiên, theo AFP, đây cũng có thể là con dao hai lưỡi vì Nga và Trung Quốc có thể yêu cầu Tổng thống Maduro từ nhiệm để thay thế bằng một nhà lãnh đạo khác “ít quyền lực chính trị hơn”.

Chuyển giao chính quyền?

 

4 kịch bản chính cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela  - 2

Tổng thống tự phong Juan Guaido bắt tay người ủng hộ trong cuộc tuần hành phản đối chính quyền Maduro hôm 23/1. (Ảnh: Reuters)

 

Một kịch bản được “tổng thống lâm thời” Juan Guaido ủng hộ là thành lập một “chính phủ chuyển tiếp” tại Venezuela, sau đó tổ chức các cuộc bầu cử.

Ông Guaido đã kêu gọi quân đội Venezuela, lực lượng hậu thuẫn mạnh nhất của Tổng thống Maduro, cắt quan hệ với chính quyền đương nhiệm để đổi lấy việc được “ân xá”. Tuy nhiên quân đội cho đến nay vẫn thề trung thành với Tổng thống Maduro, nhà lãnh đạo lên nắm quyền từ năm 2013.

Theo Peter Hakim, chủ tịch danh dự của tổ chức Đối thoại liên Mỹ ở Washington, nếu quân đội vẫn giữ vững sự trung thành với Tổng thống Maduro, kịch bản thay đổi chính quyền tại Venezuela sẽ phụ thuộc vào khả năng của phe đối lập trong việc duy trì sự thống nhất, điều chỉnh kỳ vọng và chấp thuận “một quá trình chuyển đổi dài hạn hơn”.

Kịch bản này sẽ diễn biến nhanh hơn nếu quân đội “đổi phe”. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc phe đối lập phải ân xá cho quân đội và cho một số quan chức cấp cao của Venezuela, trong khi nhiều người trong số họ bị Mỹ cáo buộc vì hành vi tham nhũng, vi phạm nhân quyền hoặc buôn bán ma túy.

Một yếu tố khác có thể tác động tới quá trình chuyển giao chính quyền: Đó là nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lệnh trừng phạt với dầu mỏ của Venezuela (Mỹ hiện mua 1/3 tổng sản lượng dầu xuất khẩu của Venezuela, khoảng 510.000 thùng một ngày), điều này sẽ giáng “đòn chí mạng” vào nền kinh tế Venezuela và làm đổ vỡ nền tảng của lực lượng ủng hộ Tổng thống Maduro, theo hãng tư vấn Capital Economics.

Quân đội nắm quyền

Chuyên gia Hakim dự đoán nếu quân đội Venezuela từ bỏ sự ủng hộ dành cho Tổng thống Maduro trong khi phe đối lập vẫn chia rẽ, quân đội có thể nắm quyền kiểm soát, “ít nhất trong một khoảng thời gian”.

Chuyên gia Shifter nhận định tình huống trên có thể dẫn tới “kịch bản tồi tệ nhất” là quân đội sẽ gia tăng “sự trấn áp” và thậm chí có thể xảy ra “nội chiến” lan rộng.

“Sự tồn tại của các chính phủ song song có thể đi kèm với những hiểm họa”, ông Shifter nói.

Trong khi đó, Tổng thống Trump tuần trước tuyên bố “mọi phương án đều đang được xem xét” đối với Venezuela. Điều này có thể được hiểu rằng Mỹ đang tính tới cả phương án can thiệp quân sự vào Venezuela.

Đàm phán giữa các bên

Tổng thống Maduro từng nói ông sẵn sàng gặp mặt đối thủ, song “tổng thống lâm thời” Guaido đã bác bỏ khả năng này và tuyên bố đây là “đối thoại giả tạo”.

Một số nước ủng hộ kịch bản đàm phán tại Venezuela. Liên minh châu Âu (EU) xem chính quyền của Tổng thống Maduro là “bất hợp pháp”, song vẫn chưa công nhận ông Guaido là “tổng thống hợp pháp” của Venezuela. EU kêu gọi thành lập một “nhóm liên lạc” giữa hai phe tại quốc gia Nam Mỹ. Ngoài ra, Mexico và Uruguay cũng ủng hộ một giải pháp đàm phán tại Venezuela.

Theo chuyên gia Shifter, kết quả tốt nhất là “một cuộc đàm phán kéo dài giữa một phe đối lập thống nhất hơn và một chính phủ phòng vệ”. Đây là lần thứ 5 chính phủ và phe đối lập tại Venezuela nỗ lực tìm kiếm giải pháp đàm phán kể từ năm 2014. Nếu may mắn, các cuộc đàm phán có thể dẫn tới việc tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Thành Đạt

Theo AFP