"Bom nổ chậm" đe dọa Trung Quốc: Khi người dân chưa kịp giàu đã già
(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng dân số của Trung Quốc chậm lại và dân số bị già hóa nhanh có thể gây ra quả "bom nổ chậm" nhân khẩu học, ảnh hưởng tới tham vọng kinh tế và địa chính trị của Bắc Kinh.
Trung Quốc hôm qua công bố thông tin, dân số nước này tăng 72 triệu trong 10 năm qua, lên mốc 1,41 tỷ người. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê dân số thực hiện 10 năm 1 lần, tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm của Trung Quốc trong thập niên vừa qua đạt mốc trung bình 0,53%, giảm 0,04% so thập niên trước đó.
NBC News dẫn lời các chuyên gia cho rằng, con số trên vẽ ra một viễn cảnh rằng, Trung Quốc đang đối diện với "bom nổ chậm" nhân khẩu học, khi nhiều người Trung Quốc có thể rơi vào kịch bản chưa chứng kiến đất nước phát triển thì đã nghỉ hưu, hay nói cách khác là "chưa kịp giàu thì đã già".
Để so sánh, tốc độ tăng trưởng dân số trong 10 năm qua ở Trung Quốc là thấp nhất nếu so với 7 lần tổng kiểm tra dân số trước đó. Trong lần thống kê năm 2010, dân số Trung Quốc tăng 5,84%. Điều đáng nói là, trước kỳ kiểm đếm năm 2010, dân số Trung Quốc luôn tăng trưởng với tỷ lệ 2 chữ số, theo Straits Times.
Ngoài ra, số lượng trẻ em ra đời ở Trung Quốc tiếp tục giảm dù chính phủ nước này đang nỗ lực khuyến khích người dân sinh đẻ thêm. Năm 2016, Trung Quốc đã bỏ chính sách một con mà nước này áp dụng trong hàng chục năm, trong một nỗ lực nhằm kích thích tăng dân số.
Năm ngoái, Trung Quốc có thêm 12 triệu trẻ em ra đời, và tỷ lệ sinh ở nước này là 1,3. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mốc 18 triệu và 17 triệu ghi nhận năm 2016 và 2017.
Ủy viên Cục Thống kê Quốc gia Ning Jizhe cho biết, con số trẻ em được sinh ra giảm là kết quả tự nhiên của việc Trung Quốc phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Tuy nhiên, ông Ning cũng thừa nhận đây là thách thức với Trung Quốc do nhiều nguyên nhân, bao gồm việc chi phí nuôi con và gánh nặng với phụ huynh ngày càng lớn. Đại dịch Covid-19 năm ngoái cũng là lý do khiến nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ cảm thấy lo ngại và khiến họ giảm bớt mong muốn sinh con.
Các chuyên gia nói với Straits Times rằng, các chỉ số trên cho thấy, Trung Quốc dường như đang đối mặt với việc dân số đang bị già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh giảm. Điều này dẫn tới việc, dân số ở nhóm tuổi lao động của Trung Quốc sẽ bị giảm trong tương lai.
"Bom nổ chậm" nhân khẩu học
Trong khi đó, NBC News cho rằng, việc dân số bị già hóa và tỉ lệ sinh giảm có thể sẽ làm ảnh hưởng tới tham vọng của Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế và ảnh hưởng tới cấu trúc xã hội.
Các dữ liệu từ cuộc thống kê dân số sẽ được theo dõi kỹ càng. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ sử dụng nó để phân bổ nguồn lực, ví dụ như nên xây thêm trường hay nhà dưỡng lão trong những năm tới.
Tiến sĩ Huang Wenzheng, chuyên gia dân số tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Bắc Kinh), cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở nước này có thể nghiêm trọng hơn dự kiến. Ông Huang nói rằng, dấu hiệu rõ ràng nhất là, dù chính sách một con đã bị hủy bỏ từ năm 2016, nhưng số trẻ em sinh ra ở Trung Quốc vẫn giảm mạnh vào năm ngoái.
Trước đó, dân số Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào năm 2027. Tuy nhiên, ông Huang cảnh báo, kịch bản này có thể đến sớm hơn.
"Chúng ta có thể tăng trưởng âm dân số vào năm 2024 và 2025", ông Huang nhận định.
Chuyên gia Yue Su cho biết, dân số ở độ tuổi lao động ở Trung Quốc dự kiến giảm xuống 923 triệu vào năm 2030, so với mốc 995,9 triệu hồi năm 2018. Điều này sẽ đặt ra thách thức với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc.
Trong khi đó, nhà khoa học Yi Fu-Xian, từ đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), cảnh báo "quả bom nổ chậm" nhân khẩu học sẽ ảnh hưởng tới Trung Quốc trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, khoa học, quốc phòng, đối ngoại và các chính sách khác.
Các chuyên gia cho rằng, nếu tỷ lệ dân số trẻ trên dân số già tiếp tục giảm trong tương lai, nhóm dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ bị tăng thêm gánh nặng, đồng thời năng suất lao động của cả nước sẽ giảm.