Bộ trưởng Shoigu: Phương Tây triển khai 360.000 quân gần biên giới Nga
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng mối đe dọa an ninh với Nga từ biên giới phía tây và tây bắc chiến lược đang tăng lên đáng kể.
"Ở phía tây và phía tây bắc, mối đe dọa đối với an ninh quân sự của Nga tăng lên đáng kể", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu ngày 9/8 nói.
Ông cho biết thêm, Moscow sẽ tăng cường các lực lượng vũ trang hiện nay ở vùng biên giới phía tây trong bối cảnh Moscow cho rằng phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga.
Bộ trưởng Shoigu nói, phương Tây đã triển khai khoảng 360.000 binh sĩ, 8.000 xe bọc thép, 6.000 hệ thống pháo, 650 máy bay và trực thăng quân sự gần biên giới Nga và Belarus.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga, kể từ tháng 2/2022 đến nay, số binh sĩ NATO của các nước không nằm trong khu vực triển khai đến đây đã tăng 2,5 lần.
Ông Shoigu cho rằng việc Phần Lan được kết nạp vào NATO và sắp tới là Thụy Điển tạo ra yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng. Theo ông, NATO có thể triển khai tại Phần Lan lực lượng và các vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng ở những vùng tây bắc Nga.
Vũ khí phương Tây đổ vào Ukraine
Tại cuộc họp với các quan chức quân đội cấp cao, Bộ trưởng Shoigu cho biết, NATO, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác đã viện trợ hơn 160 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái.
"Kể từ tháng 2/2022, Ukraine đã nhận hàng trăm xe tăng, hơn 4.000 xe bọc thép, hơn 1.000 pháo dã chiến cùng hàng chục hệ thống phóng rocket đa nòng, tên lửa phòng không hiện đại của phương Tây. Tổng viện trợ đã vượt 160 tỷ USD", ông Shoigu nói.
Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh, việc phương Tây tiếp tục đổ viện trợ quân sự vào Ukraine kéo theo nguy cơ leo thang xung đột, đặc biệt khi các nước này bắt đầu chuyển vũ khí tầm xa cho Kiev.
"Các nước NATO đang thảo luận kế hoạch chuyển máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev", ông Shoigu nói.
Ukraine từ lâu kêu gọi Mỹ cung cấp máy bay F-16 nhằm chiếm ưu thế trên không, hỗ trợ chiến dịch phản công mở màn từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ và các đồng minh mới chỉ dùng ở việc hỗ trợ huấn luyện điều khiển F-16 cho phi công Ukraine. Hiện tại, Ukraine chỉ nhận được các thiết bị mô phỏng chuyến bay do Cộng hòa Séc cung cấp.
Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Sabrina Singh cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" huấn luyện vận hành F-16 cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, Hà Lan và Đan Mạch vẫn đứng đầu nỗ lực này.
Tháng trước, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ cho phép các nước châu Âu bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine vận hành chiến đấu cơ F-16, bác bỏ cáo buộc rằng Mỹ muốn trì hoãn chương trình đó.