1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Putin vạch lằn ranh đỏ với Ukraine và NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga không thể chấp nhận một liên minh quân sự thù địch ở cửa ngõ của mình.

Ông Putin vạch lằn ranh đỏ với Ukraine và NATO - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Phát biểu trước các lãnh đạo châu Phi ngày 28/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc Ukraine trở thành thành viên của NATO sẽ là mối đe dọa sống còn đối với an ninh quốc gia của Nga và Moscow sẽ không để yên chuyện đó.

Ông Putin đề cập đến tuyên bố năm 1990 trong đó nói rằng Ukraine thuộc Liên Xô là một quốc gia có chủ quyền sẽ theo đuổi con đường trung lập vĩnh viễn.

"Tuyên bố giấy trắng, mực đen nêu rõ Ukraine là một quốc gia trung lập. Điều này có tầm quan trọng mang tính nền tảng. Chúng tôi không hiểu tại sao phương Tây tìm cách lôi kéo Ukraine vào NATO, song chúng tôi cho rằng điều đó kéo theo mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi", chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ: "Chúng tôi không thể chấp nhận việc các cơ sở quân sự của một liên minh quân sự thù địch ngày càng sát biên giới Nga".

Cuối năm 2021, Nga công bố loạt đề xuất an ninh với phương Tây, trong đó yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh thuộc NATO thẳng thừng từ chối những đề xuất an ninh mà Nga cho là "cốt lõi", chỉ đồng ý thảo luận một số vấn đề như kiểm soát tên lửa tại châu Âu. Theo chính sách mở cửa của NATO, bất cứ quốc gia châu Âu nào sẵn sàng thực hiện những cam kết và nghĩa vụ thành viên đều được hoan nghênh gia nhập liên minh.

Moscow nói rằng, đây là một trong những lý do chính khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine - quốc gia láng giềng của Nga từ lâu theo đuổi kế hoạch gia nhập NATO.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước phương Tây liên tục viện trợ quân sự cho Kiev. Moscow cho rằng, điều này cho thấy Mỹ và các đồng minh đang can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở thành phố St. Petersburg ngày 28/7, Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột. Trong khi đó, ông nói rằng Kiev đã thông qua luật cấm đàm phán với Moscow và từ bỏ thỏa thuận được đàm phán vào tháng 3/2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Putin, trong cuộc đàm phán năm ngoái, Ukraine ban đầu nhất trí ký kết một thỏa thuận trung lập, trong đó giới hạn kho vũ khí hạng nặng của Kiev. Tuy nhiên, Kiev đã rút lại thỏa thuận ngay sau đó.

Giới chức Ukraine sau này tuyên bố sẽ không có bất cứ cuộc hòa đàm nào cho đến khi Nga rút hết quân khỏi Crimea và các vùng lãnh thổ đã kiểm soát ở Ukraine.

Moscow coi những yêu cầu trên của Kiev là "không thể chấp nhận được" và nêu rõ Ukraine phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Nga cũng khẳng định sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự.

Theo RT, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm