1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bộ Ngoại giao phản hồi thông tin tàu hộ vệ Quang Trung diễn tập ở Trường Sa

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay 8/4 đã phản hồi thông tin về cuộc diễn tập của tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung tại quần đảo Trường Sa.

Bộ Ngoại giao phản hồi thông tin tàu hộ vệ Quang Trung diễn tập ở Trường Sa - 1

Cuộc diễn tập của Hải quân Việt Nam (Ảnh: VTV).

Trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 8/4 về thông tin tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung của Việt Nam đã tham gia diễn tập tại quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Hiện nay, chúng tôi chưa có thông tin về hoạt động như phóng viên hỏi".

"Quân đội Việt Nam duy trì các hoạt động huấn luyện, diễn tập để nâng cao năng lực nhằm mục tiêu sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc", bà Hằng khẳng định.

Trước đó, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) ngày 4/4 đưa tin, tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung của Hải quân Việt Nam đã dẫn đầu cuộc diễn tập tại quần đảo Trường Sa.

"Tàu hộ vệ tên lửa mang tên vua Quang Trung là loại tàu chiến có chức năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống hạm, chống ngầm, chống các loại tàu chiến mặt nước, được trang bị các loại vũ khí tiên tiến. Các tình huống chiến đấu được tổ chức diễn tập. Ngay khi tàu đang chạy với tốc độ cao nhất, trực thăng phối hợp các tình huống cất cánh, hạ cánh khẩn cấp", VTV đưa tin.

Tại cuộc họp báo hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhận được câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Người phát ngôn khẳng định: "Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là nguyện vọng, mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên".

"Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, thiện chí thực hiện luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển, và an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông", bà Thu Hằng khẳng định.