1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bình Nhưỡng cảnh báo Hàn Quốc

(Dân trí) - CHDCND Triều Tiên hôm qua đã cảnh báo nước láng giềng Hàn Quốc sẽ phải "trả giá đắt" nếu tham gia cùng Mỹ trừng phạt nước này vì vụ thử bom nguyên tử hôm 9/10.

Tuyên bố trên được Uỷ ban thống nhất hoà bình tổ quốc của CHDCND Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang băn khoăn về việc áp dụng lệnh trừng phạt của LHQ. Lệnh trừng phạt bao gồm cả việc kiểm tra các tàu chở hàng của CHDCND Triều Tiên bị tình nghi mang vũ khí cấm.

 

"Nếu các quan chức Hàn Quốc chọn tham gia cùng Mỹ để trừng phạt và gây khó khăn cho CHDCND Triều Tiên, chúng tôi sẽ xem đó là một lời tuyên bố đối đầu đối với người dân của chúng tôi…và sẽ có những biện pháp tương ứng," Uỷ ban trên tuyên bố.

 

"Nếu mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng - Seoul sụp đổ vì những biện pháp trừng phạt thiếu thận trọng, thì các nhà chức trách Hàn Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và sẽ phải trả một cái giá rất đắt," tuyên bố trên hãng thông tấn chính thức của Bình Nhưỡng KCNA cho biết.

 

Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa có phản ứng gì đối với lời tuyên bố của CHDCND Triều Tiên.

 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Bush đã bác bỏ tất cả những lời đe doạ của Bình Nhưỡng, và cho rằng Chủ tịch Kim Jong-il đang chứng tỏ bị yếu thế trong cộng đồng quốc tế.

 

Hội đồng bảo an LHQ đã đồng loạt nhất trí đưa ra một nghị quyết trừng phạt chỉ năm ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử bom nguyên tử. Trong tuần này, Hàn Quốc sẽ nhóm họp để quyết định xem nước này sẽ áp dụng nghị quyết trừng phạt của LHQ như thế nào, trong đó có cả việc sẽ làm gì với những dự án chung giữa hai nước.

 

Một trong những dự án đó là dự án du lịch do Hàn Quốc quản lý ở vùng Núi Kim Cương của CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, còn có một dự án phát triển khu công nghiệp ở thành phố Kaesong của CHDCND Triều Tiên. Kể từ những năm 1990, Bình Nhưỡng đã nhận được ít nhất 900 triệu USD cho những dự án này. Và từ lâu, họ vẫn vẫn coi những dự án này là biểu tượng của sự hoà giải giữa hai miền Triều Tiên.

 

Việc Hàn Quốc tham gia trừng phạt CHDCND Triều Tiên là hết sức quan trọng, bởi cùng với Trung Quốc, nước này là một trong những nhà viện trợ chính cho Bình Nhưỡng.

 

Cả hai nước đều tỏ ra miễn cưỡng khi đưa ra những biện pháp trừng phạt với nước láng giềng của mình. Trung Quốc, một đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng, dù bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của LHQ, song vẫn lo ngại rằng, những biện pháp cứng rắn có thể làm tình hình xấu đi. Hàn Quốc cũng có quan điểm tương tự.

 

Liên quan đến việc trừng phạt Bình Nhưỡng, Bộ trưởng thống nhất của Hàn Quốc Lee Jong-seok, một người ủng hộ mạnh mẽ cho việc hoà giải với Bình Nhưỡng, hôm qua đã đệ đơn xin từ chức. Ông bị chỉ trích là quá ủng hộ CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, ngay cả khi việc từ chức của ông được chấp nhận, thì Hàn Quốc cũng chưa thể thay đổi ngay chính sách của mình đối với Bình Nhưỡng.

 

Trong khi đó, hôm qua, Tổng thống Nga Putin cũng kêu gọi các nước hãy bình tĩnh trong vấn đề của Bình Nhưỡng. Ông cảnh báo nếu dồn CHDCND Triều Tiên vào "chân tường" thì sẽ có một kết quả khó lường. "Chúng ta không nên để tình hình đi vào ngõ cụt, chúng ta không nên đẩy một trong những bên đàm phán vào hoàn cảnh không có lối thoát ngoài việc: làm cho căng thẳng leo thang," Tổng thống Putin bình luận trên truyền hình ở Moscow.

 

Trang Thu

Theo AP