1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bình Nhưỡng đồng ý quay trở lại bàn đàm phán

(Dân trí) - 3 tuần sau khi làm cả thế giới lo ngại bằng một vụ thử hạt nhân, hôm qua CHDCND Triều Tiên đã đồng ý quay trở lại bàn đàm phán 6 bên. Bước tiến đạt được sau khi Bình Nhưỡng phải chịu sức ép từ phía Trung Quốc và sau khi Mỹ đề nghị sẽ thảo luận về các lệnh trừng phạt tài chính đối với nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trên trang web của mình rằng phái viên Bắc Kinh, Washington và Bình Nhưỡng đã gặp mặt hôm qua, cùng "trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn và sâu sắc về việc tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy vòng đàm phán 6 bên".

 

Cả ba bên đều nhất trí các cuộc đàm phán "sẽ được tổ chức sớm vào thời điểm thuận lợi cho các bên liên quan".

 

Đại diện đàm phán của Mỹ, trợ lý ngoại trưởng Christopher Hill cho biết 6 nước sẽ gặp nhau trong tháng tới. Ông nói thêm CHDCND Triều Tiên không hề đưa ra điều kiện gì để trở lại vòng đàm phán.

 

Tại Washington, dù vẫn còn dè dặt song Tổng thống Bush đã hoan nghênh thái độ trên của Bình Nhưỡng và cảm ơn Trung Quốc làm người trung gian đưa được Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên Tổng thống Bush cho biết động thái mới của Bình Nhưỡng sẽ không khiến Mỹ thôi áp dụng lệnh trừng phạt của LHQ đối với vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hôm 9/10.

 

Bush cho biết vẫn còn "rất nhiều việc phải làm" và Mỹ sẽ gửi một phái đoàn đến khu vực "để đảm bảo rằng nghị quyết hiện tại của Hội đồng bảo an LHQ vẫn được thực thi". Mục đích cuối cùng là "CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và vũ khí hạt nhân". - Tổng thống Bush nói.

 

Động thái mới của Bình Nhưỡng cũng được nhiều nước khác hoan nghênh, tuy vẫn còn một vài lo ngại. Bởi trước đó CHDCND Triều Tiên đã không ít lần  trở lại bàn đàm phán rồi lại bỏ giữa chừng.

 

"Tôi tin tưởng rằng, các cuộc đàm phán được nối lại càng sớm thì căng thẳng về vấn đề này sẽ càng qua nhanh," Igor Ivanov, người đứng đầu Hội đồng an ninh cho tổng thống Nga cho biết tại Moscow.

 

Đại sứ Nhật tại LHQ Kenzo Oshima gọi đây là "một bước tiến đầu tiên đáng được hoan nghênh, nhưng vẫn còn rất, rất nhiều điều khác chúng ta cần phải theo dõi sát sao." Ngoại trưởng Nhật Aso cũng cho biết việc nối lại các cuộc đàm phán "là tiền để để CHDCND Triều Tiên không sở hữu vũ khí hạt nhân".

 

Các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng được bắt đầu từ năm 2003. Nỗ lực của các bên đã gần được đền đáp khi CHDCND Triều Tiên đồng ý sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tái tham gia Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 9/2005. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau nước này rút khỏi bàn đàm phán để phản đối Mỹ đã trừng phạt tài chính đối với mình.

 

Không lâu sau đó, CHDCND Triều Tiên thử liên tiếp 7 quả tên lửa, trong đó có cả loại tên lửa tầm xa có thể vươn tới Mỹ vào tháng 7/2006. Tháng 10 vừa qua, căng thẳng hạt nhân lên tới đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng thử một quả bom nguyên tử dưới lòng đất. Ngay sau đó, cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ… đều bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến nay, mức độ áp dụng nghị quyết của LHQ mỗi nước mỗi khác.

 

PV

Theo AP, BBC