1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Binh biến Myanmar và thế khó của chính quyền Biden

Minh Phương

(Dân trí) - Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn đầu tiên sau cuộc binh biến ở Myanmar - một phép thử mà ông không có nhiều lựa chọn ứng phó.

Binh biến Myanmar và thế khó của chính quyền Biden - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Ngay sau khi quân đội Myanmar tuyên bố bắt giữ các quan chức cấp cao của chính quyền dân sự và tạm tiếp quản điều hành đất nước, Tổng thống Mỹ Biden đã ra thông cáo lên án hành động này là "sự tấn công vào nền dân chủ", và kêu gọi giới quân sự Myanmar lập tức trả tự do cho các nhà chính trị. Ông Biden cũng cho biết, chính quyền của ông sẽ lập tức xem xét lại các lệnh trừng phạt Myanmar và có hành động thích hợp.

Peter Kucik, cựu cố vấn về lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, nhận định chính quyền của ông Biden có thể áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Myanmar bằng một sắc lệnh hành pháp. Điều đó có thể gây sức ép với giới chức quân sự Myanmar.

Biện pháp này có thể vấp phải sự phản đối của một bộ phận doanh nghiệp Mỹ muốn duy trì mối quan hệ làm ăn với Myanmar. Một người ủng hộ doanh nghiệp Mỹ ở Myanmar nhận định, giới đầu tư sẽ ủng hộ phương án trừng phạt nhằm vào những nhân vật trực tiếp liên quan đến binh biến và những người được quân đội Myanmar bổ nhiệm vào chính quyền sau binh biến.

Binh biến Myanmar và thế khó của chính quyền Biden - 2
Quân đội Myanmar bắt giữ quan chức dân sự và giành quyền kiểm soát đất nước vào sáng 1/2. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Derek Mitchell, cựu đại sứ Mỹ đầu tiên tại Myanmar, cho rằng Mỹ hiện nay không có được những đòn bẩy như trước kia để gây sức ép với giới quân sự Myanmar. Hiệu quả của các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các tướng lĩnh quân đội Myanmar trước kia cũng gây nhiều tranh cãi. Một số người nói rằng, chúng không ảnh hưởng đến giới quân sự Myanmar, trong khi tác động tiêu cực đến người dân ở đây.

"Chỉ đơn thuần áp lệnh trừng phạt với quân đội Myanmar sẽ không giải quyết được vấn đề. Ngoại giao tinh tế, bền vững cả theo hướng song phương và đa phương là cần thiết để hóa giải cuộc khủng hoảng này, đưa Myanmar trở lại con đường cải cách và dân chủ", Daniel Russel, một cựu quan chức ngoại giao Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định. Theo AFP, những quốc gia mà Mỹ có thể hợp tác trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến Myanmar là Nhật Bản, Ấn Độ và thậm chí Trung Quốc.

Chung quan điểm này, bà Suzanne DiMaggio, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, cho rằng chính quyền của ông Biden nên từ bỏ ngay ý định áp lệnh trừng phạt Myanmar, thay vào đó hãy cân nhắc các biện pháp ngoại giao. "Nhanh chóng cử đặc phái viên đến Naypyitaw với sự ủng hộ hiếm hoi từ lưỡng đảng có lẽ là bước đi thích hợp tiếp theo", bà DiMaggio nói.

Khi Myanmar bắt đầu tiến trình dân chủ, ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã thuyết phục các nhà cải cách trong chính quyền quân sự Myanmar bằng những cam kết hợp tác kinh tế, dỡ bỏ trừng phạt và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện giờ, Mỹ không có nhiều đề nghị dành cho một tư lệnh quân đội đã quay lưng lại với một thập niên thay đổi tích cực của Myanmar. Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, người được cho là đứng sau cuộc binh biến đầu tuần này ở Myanmar, hiện nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì chiến dịch chống lại người Rohingya.

"Đưa ra tuyên bố thì dễ nhưng để xác định làm gì tiếp theo mới khó", Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), bình luận. Theo chuyên gia này, chính quyền của ông Biden có thể áp lệnh trừng phạt với một số tướng lĩnh quân đội và các công ty do họ sở hữu, nhưng sẽ không gây được sức ép lớn bởi tầm ảnh hưởng của quân đội đã ăn sâu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế Myanmar.

Đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đều lên tiếng chỉ trích việc quân đội Myanmar giành quyền kiểm soát đất nước từ chính quyền dân sự, nhưng Washington chưa gọi đây là một cuộc đảo chính.

Theo luật pháp Mỹ, nếu sự kiện này bị coi là đảo chính, Mỹ có thể cắt một số viện trợ cho Myanmar. Năm 2020, Mỹ đã viện trợ tổng cộng hơn 606 triệu USD cho quốc gia này. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói, các sự kiện diễn ra ở Myanmar có thể coi là cấu thành một cuộc đảo chính, nhưng Washington vẫn cần xem xét thêm trước khi đưa ra đánh giá.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm