1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế khó của Trung Quốc trước cuộc binh biến tại Myanmar

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc đang rơi vào tình thế khó xử khi có mối quan hệ thân thiết với cả chính phủ và quân đội Myanmar - nơi vừa diễn ra cuộc đảo chính vào sáng 1/2.

Thế khó của Trung Quốc trước cuộc binh biến tại Myanmar - 1

Lính gác và xe quân sự tại thủ đô của Myanmar sau cuộc đảo chính vào sáng 1/2. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình "binh biến" ở Myanmar, sau khi quân đội nước này tiến hành đảo chính và bắt giữ các nhà lãnh đạo được bầu cử, bao gồm cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, hôm 1/2.

Giới quan sát cho rằng Myanmar không tránh được hỗn loạn trong ngắn hạn và điều này còn tác động đến tâm lý của các doanh nghiệp vốn đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo các nhà quan sát, trong tình huống này, cách tiếp cận của Trung Quốc sẽ là chờ đợi và quan sát vì Bắc Kinh dự đoán rằng, tình hình về lâu dài sẽ trở nên ổn định hơn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh lập trường trên trong tuyên bố ngày 1/2.

"Chúng tôi lưu ý đến những gì đang diễn ra tại Myanmar và chúng tôi vẫn đang tìm hiểu thêm về tình hình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói.

"Trung Quốc và Myanmar là hai nước láng giềng hữu nghị. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ giải quyết các khác biệt một cách phù hợp theo hiến pháp và khuôn khổ pháp luật nhằm duy trì ổn định chính trị và xã hội", ông Wang nói thêm.

Cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar diễn ra vào sáng 1/2 nhằm chống lại chính phủ của bà San Suu Kyi với cáo buộc gian lận bầu cử, khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái.

Vào chiều cùng ngày, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp và chuyển giao quyền lực cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Thống tướng Min Aung Hlaing, đồng thời tuyên bố Myanmar sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc.

Thế khó của Bắc Kinh

Thế khó của Trung Quốc trước cuộc binh biến tại Myanmar - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi gặp mặt tại Myanmar vào tháng 1/2020. (Ảnh: WSJ)

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc nói với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng, cuộc đảo chính tại Myanmar đặt Bắc Kinh vào tình thế khó xử, vì "vấn đề cốt lõi nằm ở xung đột giữa liên minh chính trị do bà Suu Kyi dẫn đầu và lực lượng quyền lực do quân đội Myanmar lãnh đạo, trong khi cả hai đều có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc".

"Ngay lúc này, Trung Quốc chỉ có thể theo dõi tình hình, chứ không làm gì cả", nguồn tin cho biết.

Theo nguồn tin trên, các dự án của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính tại Myanmar, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ không nghiêm trọng như đại dịch Covid-19 gây ra.

"Nhiều dự án đã bị chậm lại hoặc đình trệ trong bối cảnh đại dịch", nguồn tin cho biết.

Tính đến cuối tháng 1, số ca mắc Covid-19 tại Myanmar đã tăng lên tới hơn 140.000 người, trong khi số ca tử vong đã vượt 3.000 người. Để kiểm soát dịch bệnh, chính phủ Myanmar đã gia hạn việc dừng các chuyến bay thương mại quốc tế và hạn chế du khách đến cuối tháng 2. 

Theo nguồn tin, quân đội Trung Quốc không lo ngại về việc xung đột nội bộ của Myanmar có thể lan sang lãnh thổ Trung Quốc và ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc.

"Tôi cho rằng một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ sẽ xảy ra trong những ngày tới, nhưng sẽ không dẫn tới các cuộc xung đột nội bộ giữa chính phủ Myanmar và các nhóm nổi dậy thiểu số", nguồn tin nhận định.

Trung Quốc có hơn 2.100 km đường biên giới chung với Myanmar ở phía bắc, khu vực lâu nay vẫn gặp rắc rối do các cuộc giao tranh giữa chính phủ với các nhóm sắc tộc thiểu số nổi dậy.

Tháng 4/2020, 3 quả bom từ Myanmar đã bay vào lãnh thổ Trung Quốc và làm hư hại các tòa nhà, nhưng không gây thương vong. Tuy nhiên, vào năm 2017, một giáo viên Trung Quốc đã thiệt mạng khi đạn pháo do quân chính phủ Myanmar bắn trúng một trường học ở vùng dân tộc Kokang. 

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 ở Myanmar, sau Singapore. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1 năm ngoái, 2 bên đã ký 33 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, thư trao đổi và nghị định thư, trong đó có 13 văn bản liên quan đến cơ sở hạ tầng, đáng chú ý nhất là Đặc khu kinh tế Kyaukpyu dọc Vịnh Bengal. 

Myanmar cũng là chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng trước, khi Bắc Kinh muốn "tranh thủ" các nước láng giềng trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo Fan Hongwei, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Xiamen, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Myanmar sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính vì Bắc Kinh có mối quan hệ với cả quân đội và đảng cầm quyền.

"Trung Quốc vốn đã nhận ra vai trò quan trọng lâu dài của quân đội (Myanmar) và vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên. Trung Quốc là đối tác thương mại, đầu tư nước ngoài và vốn lớn nhất của Myanmar. Đây đều là những yếu tố cơ bản và quan trọng, và sẽ không thay đổi dù ai lên nắm quyền tại Myanmar", ông Fan nhận định.

Zhu Yongbiao, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Lan Châu, cũng cho rằng các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, vì từng trải qua quá trình chuyển giao quyền lực trước đây và vì Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả chính phủ và quân đội Myanmar.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, đã bị Mỹ và Anh trừng phạt với cáo buộc đàn áp những người Hồi giáo Rohingya. Tuy nhiên, Trung Quốc lại dành cho Thống tướng Myanmar sự kính trọng.

Trong cuộc gặp hồi tháng trước, Ngoại trưởng Vương Nghị gọi Trung Quốc và Myanmar là những người "anh em" và ca ngợi nỗ lực "hồi sinh" đất nước của quân đội Myanmar.

Tuy vậy, theo Bloomberg, Trung Quốc vẫn rất cẩn trọng để tránh không làm mất lòng những người ủng hộ bà Suu Kyi. Trong chuyến thăm tới Myanmar hồi tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc đã gặp bà Suu Kyi và trao đổi về cơ hội hợp tác trong nhiều dự án đầu tư.

"Đối với Trung Quốc, chính trị Myanmar hay thay đổi và rất khó đoán", Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, nhận định.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm