1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Biệt đội diệt xe tăng phương Tây" của Nga sẽ được trang bị vũ khí gì?

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Nhiều loại vũ khí hiện đại dự kiến được quân đội Nga trang bị cho các biệt đội diệt xe tăng phương Tây.

Biệt đội diệt xe tăng phương Tây của Nga sẽ được trang bị vũ khí gì? - 1
Binh sĩ Nga huấn luyện sử dụng tên lửa chống tăng vác vai (Ảnh: WSJ).

Ngày 9/4, ông Evgeny Arifulin, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện Tác chiến của quân đội Nga, xác nhận các đơn vị đặc biệt với nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt xe tăng phương Tây tại Ukraine đã được thành lập sau sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng nước này.

Theo ông Arifulin, các thành viên của biệt đội trên đang được khẩn trương huấn luyện để nghiên cứu điểm yếu của các xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây viện trợ cho Ukraine. Kế hoạch huấn luyện sử dụng vũ khí chuyên dụng để tập kích mục tiêu là xe tăng của đối phương.

Trang Defense Express nhận định các thành viên trong biệt đội mới thành lập của quân đội Nga sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí uy lực để đối mặt với các xe tăng hiện đại từ phương Tây.

Theo đó, bên cạnh những vũ khí bộ binh thông thường, biệt đội diệt xe tăng phương Tây của Nga sẽ được huấn luyện sử dụng súng bắn tỉa và súng phóng lựu để đối phó với bộ binh bảo vệ xe tăng của Ukraine. Ngoài ra, các máy bay không người lái (UAV) trinh sát cũng sẽ được trang bị cho lực lượng này để hỗ trợ quá trình truy tìm và xác định mục tiêu.

Vũ khí chính của biệt đội săn xe tăng phương Tây sẽ là các tên lửa chống tăng. Quân đội Nga hiện đang sở hữu 2 mẫu tên lửa được cho là nằm trong danh sách những vũ khí chống tăng tốt nhất thế giới, đó là Khrizantema và Kornet.

Biệt đội diệt xe tăng phương Tây của Nga sẽ được trang bị vũ khí gì? - 2
Một tên lửa chống tăng của quân đội Nga khai hỏa (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

9M123 Khrizantema là tên lửa chống tăng dẫn đường uy lực của Nga, được đưa vào sử dụng từ năm 2005 để đối phó với các thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại từ phương Tây. Nhờ các phương tiện dẫn đường quang học, tổ hợp này có thể phát hiện mục tiêu sau màn khói ngụy trang dày đặc hoặc trong điều kiện sương mù khiến tầm nhìn bị hạn chế.

Đạt tốc độ siêu thanh (khoảng 400m/s) cùng đầu đạn nặng 8kg, tên lửa của tổ hợp này có thể bắn trúng lớp giáp thép dày tới 1.200mm. Tầm bắn của tổ hợp 9M123 Khrizantema có thể lên tới 6km.

Với Kornet, tên lửa này được phát triển bởi Phòng thiết kế máy công cụ KBP của Nga từ những năm 90 của thế kỷ trước. Mục tiêu của tổ hợp tên lửa Kornet là tấn công và vô hiệu hóa xe tăng cùng các mục tiêu bọc thép khác của đối phương.

Phiên bản mới nhất của tổ hợp Kornet được chế tạo theo dạng module và hoạt động theo nguyên tắc "bắn rồi quên". Hệ thống chống tên lửa Kornet có thể vượt qua các phương tiện bảo vệ hiện đại bằng cách phóng 2 tên lửa vào mục tiêu cùng một lúc. Tầm bắn của đạn tên lửa của tổ hợp này lên tới 10km.

Đạn tên lửa của tổ hợp Kornet có thể đạt tốc độ siêu âm và tầm bắn lên tới 10km. Phiên bản cải tiến của tổ hợp này là "Kornet-D" có khả năng xuyên giáp lên tới 1.300mm và được trang bị hệ thống ngắm và điều khiển bán tự động. Đầu dò laser và cảm biến hồng ngoại cũng cho phép nó đánh trúng mục tiêu một cách chính xác.

Được đưa vào sử dụng từ năm 1998, tên lửa Kornet đã được sử dụng tại nhiều cuộc xung đột khác nhau và đạt được những thành tích đáng kể. Giới quan sát nhận định tổ hợp 9M133 Kornet là một đối thủ xứng tầm của tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine