Bệnh viện vỡ trận vì Covid-19, Indonesia nguy cơ thành "Ấn Độ thứ hai"
(Dân trí) - Giới y tế Indonesia kêu gọi phong tỏa toàn quốc trước nguy cơ nước này có thể đối mặt với thảm kịch tương tự Ấn Độ do làn sóng Covid-19 thứ hai.
Biến chủng Delta khiến số ca Covid-19 tăng mạnh
Trong một tuyên bố ngày 27/6, Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI) đã kêu gọi chính phủ ban bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong ít nhất hai tuần, đặc biệt là khu vực Java, nơi có thủ đô Jakarta, để ngăn đà lây lan của làn sóng Covid-19 thứ hai do biến chủng Delta gây ra.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Indonesia tăng mạnh. Trong ngày 27/6, Indonesia ghi nhận kỷ lục hơn 21.000 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên hơn 2,1 triệu ca, trong đó hơn 57.000 người đã tử vong. Con số thực tế được cho là cao hơn nhiều bởi năng lực xét nghiệm còn hạn chế.
Số ca nhiễm ở Indonesia tăng mạnh những tuần gần đây sau khi hàng triệu người di chuyển giữa các tỉnh thành vào dịp kết thúc tháng Ramadan hồi tháng 5.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có một đợt số ca nhiễm mới tăng mạnh. Đỉnh dịch có thể rơi vào 2 hoặc 3 tuần tới", bà Siti Nadia Tarmizi, người phát ngôn ban chỉ đạo ứng phó Covid-19 của chính phủ Indonesia, cho biết.
Đợt bùng phát mới có thể khiến Indonesia trở thành tâm dịch mới của thế giới. Trước kia, chuyên gia dịch tễ Dicky Budiman của Đại học Griffith từng cảnh báo, có 3 quốc gia có khả năng trở thành tâm chấn thế giới do dân số đông gồm Ấn Độ, Brazil và Indonesia. "Hiện tại 2 trong 3 quốc gia vẫn là tâm chấn và nếu chính phủ Indonesia không nghiêm túc xử lý đại dịch thì quốc này cũng sẽ giống như Ấn Độ và Brazil", ông nói.
Nhiều bệnh viện vỡ trận
Bác sĩ Adib Khumaidi, một lãnh đạo của IDI, cho biết kể từ khi dịch bùng phát đến nay, ít nhất 405 bác sĩ đã qua đời, trong đó có 30 bác sĩ tử vong riêng trong tháng này. Hàng trăm bác sĩ khác phải cách ly tại nhà. Ông cảnh báo, Indonesia có nguy cơ đối mặt thảm kịch tương tự ở Ấn Độ khi các bệnh viện quá tải, tỷ lệ xét nghiệm thấp hơn của Ấn Độ.
"Chỉ bổ sung giường bệnh thôi chưa đủ. Quan trọng là nguồn lực con người. Rất nhiều nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, phải cách ly và điều trị", ông Adib nói.
Theo ông, nhiều bệnh viện ở Indonesia hiện có thể coi là đã "vỡ trận" và cảnh báo cả hệ thống y tế Indonesia cũng có thể sụp đổ nếu không có hành động kịp thời và hiệu quả.
Hôm 27/6, Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc hội Indonesia Charles Honoris đã đề nghị chính phủ ít nhất phải áp lệnh phong tỏa ở Java. Ông nói, biểu đồ số ca bệnh ở Indonesia được mô tả "gần như là một đường thẳng đứng, giống như Ấn Độ hồi tháng 4".
Chính phủ Indonesia đã siết hạn chế đi lại để ngăn dịch lây lan nhưng chưa có ý định ban bố một lệnh phong tỏa quy mô lớn do lo ngại ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thay vào đó, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 180 triệu người trong tổng số 270 triệu dân vào đầu năm tới. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ khoảng 5% dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ.