1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

350 nhân viên y tế Indonesia mắc Covid-19 dù đã tiêm chủng, Sinovac lý giải

(Dân trí) - Sau vụ việc 350 nhân viên y tế Indonesia mắc Covid-19 dù đã tiêm vắc xin Sinovac, các chuyên gia của Trung Quốc khuyến cáo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch kể cả đã tiêm chủng.

350 nhân viên y tế Indonesia mắc Covid-19 dù đã tiêm chủng, Sinovac lý giải - 1

Nhân viên y tế ở Jakarta, Indonesia (Ảnh minh họa: Reuters).

Reuters đưa tin, tính đến ngày 17/6, hơn 350 nhân viên y tế ở Indonesia, chủ yếu ở vùng Kudus, Trung Java, có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 mặc dù đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 do công ty dược Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Hàng chục người trong số đó đã phải nhập viện. Điều này làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của một số loại vắc xin với các biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Y tế Singapore, ông Kenneth Mak, cho biết bằng chứng từ các nước khác cho thấy người đã tiêm vắc xin Sinovac vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.

Phản hồi trước những thông tin này, Sinovac ngày 22/6 giải thích, vắc xin không thể bảo vệ 100% người tiêm trước nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và đặc biệt là tránh nguy cơ tử vong. Các chuyên gia của Trung Quốc cũng cho rằng, có thể các nhân viên y tế của Indonesia đã nhiễm bệnh trước khi tiêm chủng nhưng không có triệu chứng và không được xét nghiệm cho đến khi virus tấn công hệ miễn dịch.

Tân Hoa Xã hôm 12/5 dẫn một nghiên cứu của Bộ Y tế Indonesia nói rằng, vắc xin Sinovac có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ các triệu chứng do Covid-19 ở nhân viên y tế tới 94%.

"Trong số 6.000 người, chỉ có 308 nhân viên y tế nhiễm bệnh, tức là tỷ lệ nhiễm khoảng 5,1% tổng số các nhân viên y tế. Hầu hết những người nhiễm bệnh đã hồi phục và bắt đầu đi làm trở lại," Badai Ismoyo, người đứng đầu văn phòng y tế ở Kudus, cho biết hôm 20/6.

Nhân viên y tế là nhóm ưu tiên được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ở Indonesia kể từ khi chương trình tiêm chủng khởi động hồi tháng 1 năm nay. Hầu hết nhóm này được tiêm vắc xin Sinovac.

Indonesia là một trong những điểm nóng bùng phát dịch ở châu Á. Dịch bùng phát mạnh trở lại ở Indonesia gần đây được cho chủ yếu do sự lây lan của biến chủng Delta - biến chủng phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ được cho là dễ lây lan hơn và gây tỷ lệ nhập viện ở người bệnh Covid-19 cao hơn. Bộ Y tế Indonesia ngày 22/6 cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ, nước này ghi nhận thêm hơn 13.000 ca nhiễm mới. Số ca bệnh tăng nhanh gây sức ép lớn lên hệ thống y tế của Indonesia vốn đã chao đảo sau làn sóng đầu tiên và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong đội ngũ y bác sĩ.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV hôm 21/6, Wei Sheng, giáo sư trường y thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong của Trung Quốc, cho biết theo kết quả của các thử nghiệm gần đây nhất, các vắc xin của Trung Quốc, trong đó có Sinovac, vẫn có hiệu quả ngăn ngừa biến chủng Delta. Tuy vậy, các chuyên gia của Trung Quốc khuyến cáo vẫn nên duy trì các biện pháp phòng dịch kể cả khi đã tiêm vắc xin bởi đó là cách hữu hiệu nhất để ngăn dịch bệnh lây lan.