1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bệnh nhân dạt xuống phía nam, bệnh viện Italia căng mình ứng phó dịch

(Dân trí) - Các bệnh viện ở khu vực miền trung và nam Italia, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn hơn, vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiễm virus corona tăng lên từng ngày.

Bệnh nhân dạt xuống phía nam, bệnh viện Italia căng mình ứng phó dịch - 1

Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ hành khách tại cảng ở thành phố Messina, vùng Sicily. (Ảnh: Reuters)

Số lượng bệnh nhân nhiễm virus corona tăng vọt, đặc biệt tại Lazio, Campania và Puglia, phần lớn do hàng nghìn người tìm cách chạy xuống phía nam sau khi Lombardy, nơi khởi phát dịch tại Italia, bị phong tỏa hôm 8/3. Lệnh phong tỏa toàn quốc được chính phủ Italia công bố hôm 9/3 và các quy định được siết chặt hơn từ ngày 11/3.

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Italia đã tăng lên 3.405 người tính đến ngày 19/3, trong khi số ca nhiễm cũng lên tới hơn 41.000 người. Điều này đồng nghĩa với việc Italia chính thức vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

“Nhìn vào tình hình tại miền trung và nam Italia, sẽ thấy số ca nhiễm tăng lên, đặt biệt trong những ngày gần đây”, Guardian dẫn lời nhà vật lý Giorgio Sestili, người đang tập hợp nghiên cứu của các nhà khoa học Italia và chia sẻ trên trang Facebook Coronavirus - Data and Scientific Analysis, cho biết.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là do nhiều người từ miền bắc di chuyển xuống phía nam sau lệnh phong tỏa ngày 9/3, và những người này có thể đã mang theo virus”, ông Sestili nhận định.

Theo dữ liệu từ cơ quan bảo vệ dân sự Italia, có 823 ca mắc Covid-19 tại Lazio tính đến tối 19/3, so với 102 ca tính đến ngày 9/3.

Tại Campania, số ca nhiễm tăng từ 120 lên 652 chỉ trong 10 ngày, tại Puglia từ 50 ca lên 478 ca, tại Silicy từ 54 ca lên 340 ca, tại Calabria từ 11 ca lên 169 ca, tại vùng Abruzzo từ 30 ca lên 385 ca.

Thống đốc một số vùng phía nam Italia đã yêu cầu đóng cửa “biên giới”. Các binh sĩ sẽ tuần tra trên các tuyến đường tại Sicily và Naples để đảm bảo người dân tuân thủ quy định về cách ly.

Chính quyền Sicily đã dừng tất cả chuyến bay, ngoại trừ hai chuyến bay trong ngày nối Rome với hai thành phố Palermo và Catania, sau khi khu vực này tiếp nhận 30.000 người từ phía bắc tràn xuống trong một tuần. Khoảng 15.000 người cũng trở về nhà ở Puglia.

Bệnh nhân dạt xuống phía nam, bệnh viện Italia căng mình ứng phó dịch - 2

Biểu đồ thể hiện số ca tử vong và nhiễm virus corona tại một số nước châu Âu. (Ảnh: Dailymail)

Do không được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như các bệnh viện tại phía bắc, khu vực giàu có hơn, các bệnh viện ở khu vực phía nam Italia sẽ phải vật lộn để ứng phó với số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian tới. Hệ thống y tế ở phía nam bị xuống cấp do cắt giảm chi phí và hơn 40 bệnh viện đã đóng cửa trong những năm gần đây.

Các nhà chức trách tại Campania đã cải tiến hai bệnh viện nằm giữa Naples và Salerno thành nơi điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19, góp phần gia tăng số giường chăm sóc đặc biệt tại khu vực này, ngoài 600 giường sẵn có.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Serena Masino, giảng viên tại Đại học Westminster ở London, Anh và là người từng trao đổi với các bác sĩ ở khu vực phía nam Italia, vấn đề đặt ra bây giờ là các khu vực khác tại nam Italia không có đủ tiềm lực để ứng phó với dịch Covid-19.

“Các bác sĩ ở đây rất lo ngại về việc thiếu trang thiết bị. Cho đến hôm thứ Tư (18/3), các bác sĩ tại các bệnh viện điều trị chính cho bệnh nhân Covid-19 ở Naples vẫn không có khẩu trang để đeo. Một bác sĩ phải sử dụng một chiếc khẩu trang trong 3 ngày. Mối lo ngại khác là các bác sĩ gia đình. Tại Calabria, các bác sĩ đã nhận được khẩu trang và kính bảo hộ từ tuần trước, nhưng tại Campania, cho đến hôm thứ Tư, họ vẫn chưa nhận được gì”, bà Masino cho biết.

Các bác sĩ cũng kêu gọi tăng cường xét nghiệm ở khu vực phía nam, đặc biệt là xét nghiệm cho các nhân viên y tế.

Giuseppe Craparo, một bác sĩ ở Palermo, cho biết các bệnh viện ở phía nam Italia đang phải “gồng mình” để chuẩn bị tiếp nhận “cơn sóng thần khổng lồ” từ các ca bệnh Covid-19.

“Chúng tôi đang sống trong nỗi sợ hãi, căng thẳng và liên tục đề phòng. Trong những ngày gần đây, chúng tôi chỉ tiến hành các ca phẫu thuật khẩn cấp và được yêu cầu không thực hiện bất kỳ ca phẫu thuật thông thường nào, để giữ cho khu chăm sóc đặc biệt luôn trong trạng thái mở cửa sẵn sàng”, bác sĩ Craparo cho biết.

Pasquale Gallerano, bác sĩ tại một bệnh viện ở Sciacca - thị trấn tại tỉnh Agrigento, vùng Sicilian, cho biết hơn 10 ca mắc Covid-19 đã xuất hiện ở khu vực này.

“Nếu chúng tôi đương đầu với dịch bùng phát mạnh như ở phía bắc, chúng tôi sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn. Chúng tôi hiện không có đủ khu chăm sóc đặc biệt và vẫn đang phải gửi các bệnh nhân Covid-19 tới Palermo”, bác sĩ Gallerano cho biết.

Lý do dịch bùng phát mạnh tại Italia

Bệnh nhân dạt xuống phía nam, bệnh viện Italia căng mình ứng phó dịch - 3

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Cremona, vùng Lombardy, Italia (Ảnh: Reuters)

Các vùng Lombardy, Veneto và Emilia-Romagna ở phía bắc Italia là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, chiếm 85% số ca nhiễm và 92% số ca tử vong.

Time dẫn nhận định của một số chuyên gia cho biết, một trong những lý do khiến số ca tử vong và nhiễm bệnh tại Italia tăng mạnh trong thời gian qua là bởi virus lây lan nhưng không được phát hiện sớm.

“Dịch khởi phát nhưng không ai chú ý. Cho tới khi chúng ta phát hiện ra, hàng loạt chuỗi lây nhiễm đã xuất hiện”, Flavia Riccardo, nhà nghiên cứu tại Khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế Quốc gia Italia, nhận định.

Theo Viện Y tế Quốc gia, độ tuổi trung bình của các ca tử vong vì Covid-19 tại Italia là 81. Dân số già, đối tượng dễ bị virus corona tấn công, cũng được cho là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ tử vong tại Italia cao hơn so với các nước khác.

“Italia là nước già nhất ở lục địa già nhất thế giới. Chúng ta có rất nhiều người trên 65 tuổi”, Lorenzo Casani, giám đốc y khoa tại một phòng khám cho người cao tuổi ở Lombardy, cho biết.

Cũng theo ông Casani, tình trạng ô nhiễm ở phía bắc Italia có thể là một nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao hơn. Báo cáo do IQAir, một nền tảng theo dõi chất lượng không khí của Thụy Sĩ, đã thống kê rằng có tới 24 trong số 100 thành phố ô nhiễm nhất châu Âu nằm ở Italia.

"Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa vấn đề ô nhiễm với tỷ lệ tử vong bởi các bệnh liên quan tới virus đường hô hấp", ông Casani cho biết.

 

Thành Đạt

Theo Time, Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm