1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bất ngờ lý do Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa lúc nửa đêm

(Dân trí) - “Án binh bất động” suốt hơn 2 tháng, hôm qua 29/11, Triều Tiên bất ngờ phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa bay cao nhất từ trước đến nay. Càng bất khi Bình Nhưỡng chọn thời điểm phóng lúc nửa đêm.


Vụ phóng tên lửa hôm 29/11 của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Vụ phóng tên lửa hôm 29/11 của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Đêm 28/11, rạng sáng 29/11, một nhóm kỹ sư và chuyên gia quân sự Triều Tiên đã âm thầm tập hợp tại tỉnh Nam Pyongan, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Khi tất cả công tác chuẩn bị hoàn tất, khoảng 3 giờ sáng ngày 29/11, Triều Tiên bất ngờ phóng đi một tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tên lửa này đã bay xa 960km và đạt độ cao gần 4.500km trong khoảng thời gian hơn 50 phút trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.


Tên lửa Triều Tiên mới phóng đạt độ cao nhất từ trước tới nay. (Đồ họa: BBC)

Tên lửa Triều Tiên mới phóng đạt độ cao nhất từ trước tới nay. (Đồ họa: BBC)

Vụ phóng ngay lập tức đã kéo theo nhiều câu hỏi cho Mỹ và các đồng minh. Đối với nhiều nhà quan sát, đặc biệt ở khu vực Đông Á, điều khiến họ thắc mắc là tại sao Triều Tiên chọn phóng tên lửa vào lúc nửa đêm khi nhiệt độ xuống cực thấp.

Theo dữ liệu thu thập của Shea Cotton, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân James Martin, thông thường Triều Tiên sẽ lựa chọn phóng thử tên lửa vào ban ngày. Cụ thể, các dữ liệu từ ngày 15/4/2016 cho thấy, Triều Tiên chủ yếu chọn phóng trong khoảng thời gian từ 9h-11h sáng, trong khi thi thoảng chọn vào buổi chiều hoặc buổi tối.

Không ai biết chính xác tại sao Triều Tiên lựa chọn như vậy, tuy nhiên, chuyên gia Cotton cho rằng Bình Nhưỡng thích phóng vào giữa buổi sáng bởi nếu có vấn đề sai sót, họ sẽ có nguyên một ngày để khắc phục.

Nếu vụ thử thất bại, tên lửa phát nổ, “họ sẽ có gần một ngày trọn vẹn để thử lại và thu thập các mảnh vỡ và tiến hành các phân tích sơ bộ”, ông Cotton nhận định.

Tuy nhiên, lần này, Triều Tiên chọn phóng vào nửa đêm trong điều kiện thời tiết giá lạnh.

Kingston Reif, giám đốc bộ phận chính sách tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ), cho rằng đằng sau quyết định này là một chiến lược lớn của Triều Tiên. Theo chuyên gia này, một vụ phóng vào nửa đêm của Triều Tiên sẽ gây bất ngờ cho các quốc gia láng giềng, đồng thời gửi đi thông điệp rằng một cuộc tấn công của Triều Tiên sẽ rất khó đoán.

“Lựa chọn phóng thử lúc nửa đêm họ có thể đang tìm cách giữ bí mật khâu chuẩn bị cuối cùng nhằm gây sự bất ngờ tối đa”, Ian Williams, Phó giám đốc Dự án phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) nhận định.

Đáng lo ngại hơn, theo ông Reif, hai vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên dường như nhằm mục đích “chọc tức” hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Hệ thống phòng thủ chính của Mỹ để đối phó mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên là một hệ thống đánh chặn trên mặt đất, chủ yếu đặt tại Alaska và California.

“Một trong những thiếu sót của hệ thống này là nó chưa từng thử nghiệm đánh chặn thành công vào ban đêm. Thực tế cũng mới có một lần thử nghiệm duy nhất vào ban đêm”, chuyên gia Reif cho biết.

Minh Phương

Theo Washington Post