1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ có thể chịu tổn thất quân sự “nặng nề”

Thành Đạt

(Dân trí) - Báo Global Times của Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ sẽ chịu tổn thất nặng nề về quân sự nếu hai nước cạnh tranh với nhau.

Báo Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ có thể chịu tổn thất quân sự “nặng nề” - 1

Xe quân sự Ấn Độ trên đường cao tốc tới vùng Ladakh. (Ảnh: Reuters)

“Ấn Độ nói rằng họ đã ngăn chặn hoạt động quân sự của Trung Quốc. Từ “ngăn chặn” đã cho thấy quân đội Ấn Độ có hành động phá hoại trước và chính quân đội Ấn Độ đã khởi xướng căng thẳng lần này”, Global Times cho biết trong bài xã luận đăng tải ngày 1/9.

Global Times là ấn phẩm của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bình luận của Global Times được đưa ra sau khi quân đội Ấn Độ cáo buộc quân đội Trung Quốc ngày 29/8 đã “vi phạm sự đồng thuận đạt được trước đó trong các đàm phán quân sự và ngoại giao nhằm giải quyết xung đột đang diễn ra ở đông Ladakh”. Ấn Độ cũng tố Trung Quốc thực hiện các hành động quân sự khiêu khích nhằm làm thay đổi hiện trạng ở biên giới tranh chấp.

Quân đội Ấn Độ cho biết các binh sĩ nước này đã được triển khai để “phòng ngừa” và ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc nhằm “đơn phương làm thay đổi tình hình trên thực địa”.

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian khẳng định binh sĩ nước này chưa bao giờ vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc các binh sĩ Ấn Độ vi phạm thỏa thuận giữa hai nước và vượt qua LAC, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định ở biên giới Trung - Ấn. 

Báo Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ có thể chịu tổn thất quân sự “nặng nề” - 2

Bản đồ khu vực thung lũng Galwan - nơi Trung Quốc và Ấn Độ tranh chấp. (Ảnh: BBC)

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang từ đầu tháng 5, trong đó đỉnh điểm là vụ ẩu đả kéo dài 6 giờ đồng hồ tại thung lũng Galwan hôm 15/6. Đây là vụ xung đột đẫm máu nhất giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều năm qua. Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không công bố con số thương vong.

Theo Global Times, Ấn Độ đang đối mặt với một “Trung Quốc hùng mạnh” và Ấn Độ không nên có bất kỳ “ảo tưởng” nào về việc nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ trong vấn đề này.

"Nếu Ấn Độ muốn cạnh tranh, Trung Quốc có nhiều công cụ và năng lực hơn Ấn Độ. Nếu Ấn Độ muốn một cuộc đối đầu quân sự, quân đội Trung Quốc nhất định sẽ khiến quân đội Ấn Độ chịu tổn thất nặng nề hơn nhiều so với năm 1962", Global Times cảnh báo.

Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra chiến tranh vào năm 1962 tại cùng khu vực ở Himalaya - nơi xảy ra cuộc giao tranh quyết liệt giữa binh sĩ 2 nước hồi tháng 6. Trong cuộc chiến kéo dài 1 tháng, quân đội Trung Quốc mất 700 người, trong khi Ấn Độ thiệt hại gần gấp đôi số này.

Cuộc chiến gần 60 năm trước đã kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn và vấn đề tranh chấp biên giới giữa 2 nước cho đến nay vẫn chưa phân định rõ ràng. Vào thời điểm đó, Trung Quốc được cho là đã giành được quyền kiểm soát trên danh nghĩa với Aksai Chin, khu vực 2 nước đều tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc cũng từng giành phần thắng trong cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng với Ấn Độ vào tháng 10/2016. 

Theo giới chuyên gia, đối đầu quân sự ở Himalaya hiện rất khác so với thời điểm thập niên 1960. Trung Quốc bây giờ được cho là nắm giữ lợi thế hơn so với Ấn Độ về lực lượng binh sĩ và khí tài. Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn có lợi thế nhất định khi tác chiến ở khu vực núi cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm