Báo Mỹ: Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập BRICS
(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO và đang nộp đơn xin vào EU, được cho là đã đề nghị được gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), truyền thông Mỹ đưa tin.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã chính thức xin gia nhập BRICS. Ankara được cho hy vọng động thái này sẽ gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của đất nước cũng như tạo ra mối quan hệ mới với các quốc gia ngoài phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thành viên của NATO và đã nộp đơn xin gia nhập EU trong nhiều năm qua nhưng chưa được kết nạp.
Cả BRICS và Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận chính thức về thông tin này.
BRICS được thành lập vào năm 2009 như một nền tảng hợp tác cho các nền kinh tế mới nổi lớn nhất, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập nhóm vào năm 2010. Nga đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối vào ngày 1/1.
Cùng ngày, BRICS đã mở rộng thành viên nhóm khi kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ả Rập Xê Út chưa chính thức tham gia nhưng đã dự các cuộc họp BRICS.
Theo Tass, có khoảng 30 quốc gia quan tâm đến việc hợp tác với BRICS theo nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả mong muốn gia nhập.
Thổ Nhĩ Kỳ dù là quốc gia NATO nhưng duy trì quan hệ tương đối tốt với Nga, và có quan điểm trung lập trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập BRICS đều không nên tham gia vào các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp, đồng thời nhấn mạnh đây là tiêu chí quan trọng để Moscow chào đón các thành viên mới.
"Đối với chúng tôi, một trong những tiêu chí quan trọng để một nước được chào đón gia nhập BRICS là quốc gia đó không tham gia vào các chính sách trừng phạt bất hợp pháp, các biện pháp cấm vận bất hợp pháp đối với bất kỳ thành viên BRICS nào, bao gồm Nga", ông Ryabkov nói.
Trước khi kết nạp thêm thành viên, 5 nước BRICS có tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2 và tổng dân số 3,21 tỷ người, tương đương hơn 26,6% diện tích đất liền toàn cầu và 41,53% dân số thế giới.
Điểm chung của BRICS là các quốc gia thành viên có dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự lớn. Họ cũng là các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực mạnh, khi tổng GDP của các thành viên liên tục tăng trưởng ổn định trong hàng chục năm qua và dự kiến sẽ tăng mạnh trong nhiều năm tới. BRICS được xem là đối thủ cạnh tranh tầm ảnh hưởng chiến lược với G7 trong trật tự thế giới trong tương lai.