1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Báo Mỹ nhận định về chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Trump

Ngày 3/11, ngày đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du châu Á và tham dự APEC tại Việt Nam, tờ thời báo The Washington Times đã đăng bài "Chuyến công du châu Á đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược và phục hồi trọng tâm ngoại giao."


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái, phía trước) và phu nhân Melania Trump trong cuộc họp báo trước khi rời Nhà Trắng tới căn cứ không quân Andrews để bắt đầu chuyến công du châu Á, ngày 3/11. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái, phía trước) và phu nhân Melania Trump trong cuộc họp báo trước khi rời Nhà Trắng tới căn cứ không quân Andrews để bắt đầu chuyến công du châu Á, ngày 3/11. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo bài viết, ​Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ​Tổng thống Donald Trump sẽ có chuyến công du 5 nước châu Á Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam vào đầu tháng 11 nhằm gia tăng áp lực lên​ Triều Tiên đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác và đồng minh tại khu vực.

Thừa nhận sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhóm cố vấn chính sách của Nhà Trắng tin rằng việc phục hồi lại các mối quan hệ hợp tác an ninh song phương với các đồng minh và đối tác chiến lược tại khu vực như Việt Nam sẽ giúp Mỹ khôi phục lại sự tự tin đồng thời lấy lại lòng tin từ lãnh đạo các nước trong khu vực.

Hơn 50 năm qua, hệ thống đồng minh song phương của Mỹ với Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan đã trở thành trụ cột trong kiến trúc an ninh có giá trị của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

Một trong những trọng tâm ngoại giao trong chuyến công du châu Á lần này của tổng thống Donald Trump chính là sự trở lại Việt Nam của Mỹ. Việc Mỹ, từng là cựu thù, nay trở thành đối tác thương mại gần gũi với Việt Nam, đã chứng minh tầm quan trọng không gì so sánh nổi trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Hơn hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ ngày càng trở nên gần gũi hơn do các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tại Việt Nam, ​Tổng thống Donald Trump sẽ đối diện với nhiệm vụ đầy thách thức. Ông phải tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với một đối tác quan trọng như Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang thất vọng về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hai nước luôn mong muốn duy trì và phát triển những thành quả đạt được trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5. Theo đó, hai bên đã cam kết tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng và hàng hải.

Mặc dù chính sách châu Á của Mỹ có nhiều thay đổi song các nhà quan sát cho rằng Mỹ đã không bỏ rơi các đồng minh khu vực, tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác với Việt Nam, bao gồm cả việc rỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, đồng thời tăng cường các hoạt động diễn tập phi quân sự thường niên giữa hải quân hai nước.

Đà Nẵng, nơi tổng thống Mỹ Donald Trump tới tham dự APEC, đã có sự phát triển đáng kinh ngạc với những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới, những sân golf sang trọng cùng sân bay quốc tế.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và phu nhân Melania Trump đáp chuyến bay từ căn cứ không quân Andrews, bắt đầu công du châu Á, ngày 3/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và phu nhân Melania Trump đáp chuyến bay từ căn cứ không quân Andrews, bắt đầu công du châu Á, ngày 3/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mối quan hệ an ninh, thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam cũng được thể hiện rõ nét dọc theo các đại lộ lớn tại Đà Nẵng với điểm nhấn là các tòa nhà cao ​chọc trời cùng những cây cầu hiện đại bắc qua sông và cảng biển nhiều lần hải quân Mỹ dừng chân.

Việt Nam và Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho chặng dừng chân của​ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đà Nẵng, trong đó hai bên sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến các công ty Mỹ đang kinh doanh sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm bớt khoảng cách thặng dư thương mại giữa hai nước.

Chuyên gia cấp cao Murray Hiebert đồng thời là giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở đặt tại Washington DC cho biết "Sau khi tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP và đe dọa sẽ làm điều tương tự với hiệp định thương mại tự do Mỹ​-Hàn, các quốc gia thành viên APEC sẽ luôn dõi theo việc tổng thống Donald Trump sẽ hợp tác kinh tế như thế nào với khu vực châu Á-Thái Bình Dương."

Mặc dù ​Tổng thống Donald Trump đưa ra khẩu hiệu "mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" nhằm bảo vệ người lao động Mỹ trước sự cạnh tranh của lao động chi phí thấp từ các nước, tuy nhiên Việt Nam luôn muốn chính quyền Mỹ nhận biết rằng trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam thì ngược lại Việt Nam cũng là điểm đến ngày càng quan trọng của các mặt hàng Mỹ.

Trong hai thập kỷ qua, kể từ sau khi thực hiện chính sách đổi mới vào năm 1986 và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có bước chuyển mình, từ một nước nghèo tại châu Á, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất với sự cải cách kinh tế sâu rộng.

Quan hệ song phương Việt​-Mỹ đã có bước phát triển lịch sử vào năm 2013, khi hai nước trở thành quan hệ đối tác toàn diện. Giờ đây Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 1994, Mỹ đã ​dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế chống Việt Nam.

Kể từ đó, hai nước đã gác lại những đau thương trong quá khứ, hướng tới tương lai với tầm nhìn rộng lớn hơn. Năm 2001, hai nước đã ký hiệp định thương mại song phương, góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách thị trường, gia nhập thành công vào tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.

Toàn cầu hóa và sự cải cách thị trường sâu rộng của Việt Nam

Toàn cầu hóa đã tạo ra các cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ như Nike. Tập đoàn này đã đầu tư sản xuất các sản phẩm tại Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 400 nghìn lao động nữ. Đầu tư nước ngoài cũng đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống và kéo dài tuổi thọ cho người dân.

Johan Norberg, chuyên gia cao cấp tại viện Cato chuyên nghiên cứu về chính sách công từng phát biểu "Nike và Coca-Cola đã gặt hái được thành công tại Việt Nam, nơi mà bom ​Mỹ đã từng bị thất bại."

Trong 7 năm qua, thương mại hai nước đã tăng gần gấp 3 lần, hiện đạt đỉnh ở mức 52 tỷ USD. Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 43​,2% vào năm 2016, đây là mức tăng lớn nhất trong số 30 đối tác thương mại của Mỹ đồng thời là nước duy nhất đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Ngành sản xuất của Mỹ cũng hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của Việt Nam. Cách đây vài năm, các công ty Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 2.6 tỷ USD mua các động cơ máy bay và tuabin gió của Mỹ, tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho Mỹ.

Hãng Boeing của Mỹ cũng thắng thầu trong hợp đồng trị giá 11​3 tỷ USD, bán 100 máy bay trở khách cho hãng hàng không VietJet của Việt Nam.

Với dân số hơn 92 triệu dân, một nửa ở độ tuổi d​ưới 30, sự phát triển của Việt Nam đã vượt các quốc gia Đông Dương khác đồng thời đang đứng trước cơ hội có được nguồn lực lao động ​dồi dào có chất lượng.

[Mỹ tái định hình tầm nhìn và chính sách tại khu vực châu Á]

Phát triển quan hệ an ninh quốc phòng Việt​-Mỹ

Vượt lên trên các lợi ích kinh tế và thương mại, Việt​-Mỹ còn chia sẻ những quan ngại về các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông.

Sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á sẽ tạo ra sự cân bằng chiến lược tại Biển Đông. Các hoạt động Trung Quốc tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo, hủy hoại môi trường sinh thái, quân sự hóa các đảo có thể là các chủ đề thảo luận địa chính trị chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ nhằm tìm giải pháp đối phó với các thách thức an ninh đang gia tăng tại khu vực.

Kể từ khi Mỹ ​dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Việt Nam đã bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ và phương Tây về nhu cầu đối với các trang thiết bị quân sự phòng thủ như máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay tuần tra biển.

Nhiều người cho rằng, hợp tác anh ninh Việt​-Mỹ trong vấn đề Biển Đông hiện nay bao trùm cả các hoạt động chung giữa hải quân hai nước. Việt Nam đã cho phép các tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển của Mỹ cập cảng Cam Ranh để sửa chữa.

Đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Việt ​Nam Ngô Xuân Lịch cũng đã có chuyến thăm làm việc tại Mỹ với người đồng cấp Mỹ James Mattis. Hai bên đã nhất chí về chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam vào năm 2018.

Một phần trong kế hoạch mở rộng quan hệ quốc phòng của Mỹ đối với Việt Nam đó là việc tàu hải quân Mỹ đã nhiều lần cập cảng Đà Nẵng và thường xuyên triển khai các hoạt động thuộc chương trình đối tác Thái Bình Dương tại Việt Nam.

Phía Mỹ cũng tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với Việt Nam, bao gồm cả việc giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực an ninh hàng hải. Kể từ năm 2014, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam gói hỗ trợ lên tới 45​,7 triệu USD thông qua các chương trình xây dựng năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật và chương trình hỗ trợ tài chính cho quân đội nước ngoài của Bộ ngoại giao Mỹ.

Chính quyền ​Tổng thống Donald Trump coi trọng và đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại APEC 2017.

Mỹ dường như muốn đẩy mạnh thực thi chính sách châu Á-Thái Bình Dương theo hướng: Thường xuyên thực thi các hoạt động tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông; Đảm bảo an ninh an toàn hàng hải đồng thời tăng cường các hoạt động hải quân chung với Việt Nam và các đồng minh khu vực; Khẳng định các tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết một cách hòa bình, không cưỡng ép, hăm dọa, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế; Hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tại Hạ nguồn sông Mekong; Giải quyết vấn đề chất độc da cam và loại bỏ các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Theo Hữu Hoàng

Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm