1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Mỹ: NATO bí mật thuyết phục Ukraine ngồi vào bàn đàm phán

Minh Phương

(Dân trí) - Một số thành viên của NATO được cho là đã đưa ra các cam kết viện trợ quân sự và đảm bảo an ninh để thuyết phục Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột.

Báo Mỹ: NATO bí mật thuyết phục Ukraine ngồi vào bàn đàm phán - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Điện Elysee hôm 9/2 (Ảnh: DPA).

Báo Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin ngày 24/2 cho biết, Anh đã đề xuất cung cấp thêm khí tài cho Ukraine cùng với các cam kết an ninh, song không phải là cam kết kết nạp vào NATO, để thuyết phục Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.

Pháp và Đức được cho là ủng hộ kế hoạch này và cũng tìm cách thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, song ông đã từ chối.

Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai kêu gọi hỗ trợ quân sự giúp Ukraine giành ưu thế trên chiến trường, buộc Nga phải trở lại bàn đàm phán, nhưng ở hậu kỳ, ông được cho là khuyên người đồng cấp Zelensky đưa ra "những quyết định khó khăn".

Tại một bữa tối ở Điện Elysee hồi đầu tháng này, ông Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với nhà lãnh đạo Ukraine rằng, ông cần bắt đầu cân nhắc đàm phán hòa bình, nguồn tin của WSJ cho hay.

"Chúng tôi tiếp tục nhắc lại rằng nhất định không để Nga chiến thắng, nhưng điều đó nghĩa là gì? Nếu chiến sự khốc liệt kéo dài, không ai gánh nổi những tổn thất của Ukraine. Và không ai dám chắc họ có thể lấy lại Crimea", một quan chức cấp cao của Pháp nói với WSJ.

Để thuyết phục ông Zelensky, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đưa ra một kế hoạch cho phép Kiev "tiếp cận rộng rãi hơn với các thiết bị quân sự, vũ khí và đạn dược tiên tiến". Kế hoạch này dự kiến sẽ được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới.

"Hội nghị thượng đỉnh NATO phải đưa ra một đề nghị rõ ràng cho Ukraine, đồng thời mang lại cho ông Zelensky một chiến thắng chính trị mà ông ấy có thể công bố ở quê nhà như một động lực cho các cuộc đàm phán," một quan chức giấu tên của Anh tiết lộ với WSJ.

Mặt khác, theo quan chức này, nếu Moscow nhận thấy phương Tây tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, điều đó có thể khiến họ thừa nhận thực tế rằng không thể đạt được các mục tiêu chiến dịch quân sự và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Pháp và Đức ủng hộ sáng kiến trên và coi đó là cách để "thúc đẩy niềm tin của người Ukraine", cho họ động lực để bắt đầu đàm phán với Nga.

Tuy nhiên, kế hoạch của Thủ tướng Sunak không bao gồm đưa lực lượng của NATO đồn trú ở Ukraine hay cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine theo Điều 5 trong Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik cho rằng đó là bước đầu tiên khả quan, nhưng Kiev cần "một cam kết rõ ràng hơn, không loại trừ việc kết nạp Ukraine vào NATO - giải pháp duy nhất cho một nền hòa bình lâu dài".

Nga, Ukraine cũng như các nước thành viên NATO chưa bình luận về những thông tin trên.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai nhưng tiếp tục bế tắc. Hai bên chưa thể trở lại bàn đàm phán do mâu thuẫn về các điều kiện mà mỗi nước đưa ra.

Hôm 24/2, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra một loạt điều kiện để tìm giải pháp ngoại giao cho xung đột ở Ukraine, trong đó gồm việc phương Tây phải ngừng cấp vũ khí, lính đánh thuê cho Kiev, Ukraine trở lại trung lập. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky tuyên bố từ chối đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Theo WSJ
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine