Bạo động ở Pháp: Có tổ chức và đang lan rộng ra châu Âu
Bạo động đã mở rộng ra 300 thành phố và thị trấn trên toàn nước Pháp trong đêm thứ 11 liên tiếp. Một cụ già 61 tuổi bị thương trong vụ bạo động hôm 4/11 đã thiệt mạng hôm qua, trở thành nạn nhân đầu tiên của thảm kịch mà nước Pháp đang phải đương đầu.
Cho đến nay đã có 36 cảnh sát bị thương, 1.206 người bị bắt giữ, 4.708 xe hơi bị đốt phá. Tại Paris, một phim trường bị đốt cháy trong khi hai nhà thờ Thiên Chúa giáo, một tại miền Nam và một tại miền Bắc Pháp, bị ném bom xăng. Nhiều trường học, nhà trẻ và đồn cảnh sát tại nhiều tỉnh, thành ở Pháp bị tấn công trong đó có một đồn cảnh sát ở Clermont Ferrand bị thiêu rụi.
Hôm qua, Nghiệp đoàn Cảnh sát Pháp đã thúc giục chính quyền nên áp đặt lệnh giới nghiêm tại các khu vực có khả năng xảy ra bạo động và kêu gọi quân đội giúp sức nhằm ngăn chặn hành vi bạo loạn của các thanh niên gốc Phi và Ảrập vẫn chưa chịu giảm các hành động quá khích. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo thuộc Liên hiệp các Tổ chức Hồi giáo Pháp đã ban bố một đạo luật Hồi giáo (Fatwa) chống lại bạo động, trong đó có ghi: “Nghiêm cấm mọi người Hồi giáo tham gia mọi hành vi tấn công mù quáng vào các tài sản công và tư hoặc đe dọa tính mạng người khác”.
Theo nhận định của Công tố viên trưởng Paris Yves Bot, những cuộc bạo động vừa qua “không phải là những hành động vô trật tự không nhằm một mục đích chính trị nào” mà là “những hoạt động nhằm chống lại định chế cộng hòa”. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Sarkozi chia sẻ nhận định này: “Những gì chúng ta thấy trong đêm qua không phải là bất ngờ mà được tổ chức quy củ”. Có những lý do để chính quyền Pháp tin rằng các vụ bạo động là có tổ chức.
Bạo động ở Pháp lan sang Đức, Bỉ
Rạng sáng hôm qua, từ 0 giờ đến 2 giờ 30 (giờ GMT), 5 chiếc ô tô đã bị đốt cháy ở 5 đường phố khác nhau trong một khu vực nghèo phía Tây Bắc Berlin (Đức). Sau đó, những kẻ phóng hỏa đã đào thoát. Ở Bremen, nhiều container đã bị thiêu hủy. Được biết, trước đây vài ngày, một nhà hát tại khu phố này cũng bị đốt cháy.
Tại Bỉ, ít nhất 5 xe hơi bị đốt bên ngoài nhà ga xe lửa chính của thủ đô Brussels. |
Thứ nhất, những kẻ tấn công di chuyển theo từng nhóm nhỏ, cơ động, có mặt ở nhiều nơi khác nhau, nhanh chóng đốt xe và các tài sản khác rồi nhanh chóng biến mất trước khi các nhân viên an ninh xuất hiện.
Thứ hai, ông Jean Marie Huet, phụ trách các vấn đề tội phạm của Pháp, nói ông đã tìm ra tại một tòa nhà ở phía Nam Paris nơi sản xuất bom xăng mà từ đó cho thấy bom do những kẻ nổi loạn sử dụng không phải do bọn trẻ làm từ phòng tắm. Những kẻ tấn công cũng sử dụng điện thoại di động thông báo về sự di chuyển của cảnh sát và các blog trên Internet để kêu gọi hành động.
Thứ ba, theo trang blog Stilo, những kẻ tấn công đến từ nhiều thành phố. Dẫn lời thị trưởng Bondi, trang blog cho biết “đó là những nhóm tội ác có tổ chức của người lớn. Chúng rất cơ động, được trang bị tốt, có hệ thống thông tin về cảnh sát và biết nên tấn công ở đâu”.
Trang blog này, do một công dân Pháp tại Clichy sous Bois, nơi bùng phát bạo động đầu tiên, cho biết thường xuyên xuất hiện một “thủ lĩnh bạo động” tên Shamir, người còn đọc tuyên bố trên đài truyền hình địa phương kêu gọi chính phủ xin lỗi thanh niên.
Trước đó, tối 6/11, Tổng thống Pháp Jacques Chirac sau nhiều ngày giữ thái độ dè dặt đã lên tiếng sau phiên họp Hội đồng Nội an, cam kết “tái lập an ninh và trật tự công cộng”. Ông tuyên bố rằng tiếng nói sau cùng phải là phán quyết của luật pháp, đồng thời nhấn mạnh đến sự tôn trọng mỗi người, công lý và bình đẳng trong các cơ hội phát triển. Thủ tướng Pháp
Dominique de Villepin tuyên bố tăng cường lực lượng an ninh ở nơi cần thiết khắp nước Pháp và xúc tiến các thủ tục pháp lý để đưa ngay những người liên quan đến các vụ bạo động ra tòa án.
Hôm qua, Úc, Anh, Đức và Nhật đã khuyên công dân của mình thận trọng khi ở Pháp. Trước đó, Mỹ, Nga và ít nhất 5 nước khác cũng cảnh báo các du khách tránh xa những khu vực bạo động.
Theo Người lao động