Pháp công bố tình trạng khẩn cấp
Tổng thống Pháp Jacques Chirac hôm qua đã ban bố tình trạng khẩn cấp, tạo điều kiện cho phép chính quyền địa phương có thể áp đặt lệnh giới nghiêm tại những vùng xảy ra bạo động nhằm chấm dứt những bất ổn, rối loạn trong suốt 13 ngày qua.
Đạo luật ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép việc áp lệnh giới nghiêm tại những nơi cần thiết và đã có hiệu lực kể từ nửa đêm hôm 8/11 và sẽ kéo dài trong vòng ít nhất 12 ngày. Lực lượng cảnh sát sẽ có nhiệm vụ kiểm tra việc thực thi lệnh này. Tuy nhiên, quân đội vẫn chưa được huy động và sử dụng tới để trấn áp bạo động.
Đây là lần thứ 2 sau 50 năm tình trạng khẩn cấp mới được công bố. Vào năm 1955, nước Pháp cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi nước Pháp rơi vào tình trạng lộn xộn khi nước này tham gia vào cuộc chiến tranh tại Algeria và lúc đó có quá nhiều người biểu tình phản đối chiến tranh.
Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin nói rằng những kẻ vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị kết án bỏ tù tới 2 tháng. "Chúng ta đang phải đối mặt với những nhóm tội phạm, cá nhân có tổ chức nhưng chúng ta phải đảm bảo trật tự xã hội cho tất cả mọi người dân," ông Villepin phát biểu trước Quốc hội Pháp hôm 8/11.
Cảnh sát, trong khi đó, nói rằng các vụ bạo động vẫn tiếp tục xảy ra, lan rộng và có thêm nhiều thiệt hại, tuy nhiên, bạo lực đã không còn nghiêm trọng như những đêm trước. "Mức độ bạo lực đang giảm khi những vụ tấn công vào các công sở nhà nước và những vụ xung đột trực tiếp giữa thanh niên và cảnh sát đã ít đi. Trong khi đó, bạo động đã không còn tại 14 thị trấn và thành phố trên toàn nước Pháp, xuống còn 226, so với con số hơn 300 vùng đêm hôm trước, ông Michel Gaudin, Bộ trưởng Cảnh sát quốc gia, nói.
Khoảng 1.500 cảnh sát dự bị đã được huy động cộng với khoảng 8.000 cảnh sát hiện tại nhằm chấm dứt tình trạng bạo động leo thang.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng đêm hôm 7/11, đã có ít nhất 1.173 xe ôtô bị phá huỷ và khoảng 330 người bị bắt giữ, nâng tổng số thiệt hại sau 13 ngày lên tới con số 5.873 ôtô bị phá huỷ, 1.500 người bị bắt, 17 người bị kết án và khoảng 120 cảnh sát và lính cứu hoả bị thương. Hôm 7/11, một người 61 tuổi đã bị chết trong một vụ tấn công, trở thành nạn nhân đầu tiên kể từ khi vụ bạo động xảy ra hôm 27/10..
Bạo lực lan tràn hiện nay bị quy cho là hành động của các thanh niên châu Phi và Ảrập, những người bức xúc vì thất nghiệp, cáo buộc phân biệt chủng tộc và bị tách khỏi dòng chính trong xã hội Pháp. Theo Bộ Lao động Pháp, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở nước này là 22,2% đối với thanh niên dưới 25 tuổi. Nước Pháp cũng là nơi có cộng đồng người Hồi giáo sống đông nhất tại Châu Âu với gần 5 triệu người.
Theo Nguyên Hưng
Vietnamnet