1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguồn gốc của bạo loạn ở Paris

Tiếng xe cứu hoả và ôtô cảnh sát rú lên trong đêm khi lực lượng an ninh lao tới để dập một đám cháy mới ở khu ngoại thành nghèo của Paris. Bạo lực làm bật nắp nồi hơi của nghèo đói, phân biệt đối xử và tuyệt vọng trong các gia đình nhập cư mà đa số người Pháp từ lâu đã không để ý tới.

Sau hơn một tuần bạo động diễn ra hằng đêm, hàng trăm chiếc ôtô và xe buýt bị đốt cháy, vài toà nhà bị thiêu trụi.“Thành thật mà nói tôi không ngạc nhiên về những gì đang diễn ra”, Dounia Bouzar, một chuyên gia về cộng đồng Hồi giáo, làm việc tại các quận tập trung chủ yếu người da đen và Bắc Phi ở ngoại thành Paris, nhận xét. “Nếu xét đến hoàn cảnh sống của bọn trẻ, tôi còn tự hỏi vì sao việc này không xảy ra thường xuyên hơn”.

 

Cảnh tượng những thanh niên ném đá và các chai xăng, đụng độ với các cảnh sát chống bạo loạn xảy ra sau khi 2 thanh niên ở vùng ngoại thành Clichy-sous-Bois chết vì điện giật lúc đang trốn chạy cảnh sát.

 

Nhân viên xã hội Michele Lereste bình luận sự kiện này đã “kết tinh sự căm ghét” đối với các quan chức âm ỉ bấy lâu trong lòng những thanh niên tuyệt vọng và chán nản, sống trong vùng mà chính phủ gọi là “khu vực thành thị nhạy cảm”.

 

Trong số 751 khu vực mà chính phủ dự định dành cho các chương trình đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức 19,6%, gấp đôi tỷ lệ trung bình của quốc gia và chiếm hơn 30% số người ở độ tuổi từ 21 đến 29. Mức thu nhập thấp hơn mức bình quân 75%. Sau những lời chỉ trích là chính phủ đã không giải quyết thoả đáng làn sóng bạo lực tại cả chục khu vực ngoại thành, Thủ tướng Dominique de Villepin và Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy đã phải huỷ bỏ các chuyến công du nước ngoài. Tổng thống Pháp thì kêu gọi “đối thoại”.

 

De Villepin và Sarkorzy gặp nhau hôm thứ năm để bàn về các biện pháp giảm bớt bạo lực ngoài việc triển khai thêm các cảnh sát chống bạo loạn, vốn là biện pháp của chính phủ cho đến nay. Sau 2 thập kỷ nước Pháp áp dụng không mấy thành công các chính sách phát triển trường học, cấp việc làm và cải thiện nhà ở cho người nhập cư, những người chỉ trích bình luận đã đến lúc giới chức phải coi trọng vấn đề này hơn nữa.

 

Những khu nhà do nhà nước cấp, ọp ẹp và không được tu bổ từ nhiều năm, đã trở thành bãi chiến trường hằng đêm. Đó là minh chứng cho 40 năm áp dụng chủ trương tập trung người nhập cư ở những quận xa trung tâm thành phố, khi giá nhà đất ngày một đắt đỏ.

 

“Vùng ngoại thành của người lao động đã trở thành những khu dân cư biệt lập. Đó là cội nguồn của vấn đề”, Marc Cheb Sun, thuộc tạp chí “Tôn trọng” có đối tượng độc giả là thanh niên các gia đình nhập cư, bình luận..

 

Ngay cả những người trẻ tuổi có tham vọng cũng không dễ dàng gì vươn lên, nếu họ xuất thân từ một khu vực có tai tiếng, Jean-Francois Amadieu nhận xét. Vị giáo sư đại học đưa ra kết luận đó sau các cuộc thử nghiệm năm vừa qua.

 

Ông làm giả đơn xin việc cho các công việc bán hàng của 6 ứng cử viên khác nhau, từ một nam giới da trắng cho đến một phụ nữ gốc Bắc Phi, tất cả đều có chung một hồ sơ bằng cấp.

 

Những ứng cử viên nhà ở những khu vực “có vấn đề” chỉ nhận được phân nửa số thư mời phỏng vấn so với những người ở những khu vực ít tai tiếng. Một nam giới gốc Bắc Phi nhận được số lời mời ít hơn 5 lần so với một người da trắng.

 

Michele Lereste hiện điều hành tổ chức công tác xã hội Ánh sáng Xanh tại Villetaneuse, phía bắc Paris. Đây là nơi tập trung các dự án cho những gia đình người nhập cư. Lereste cho biết cắt giảm tài trợ của chính phủ đã khiến nhiều cơ sở đào tạo nghề phải đóng cửa, và “việc thuyết phục giới chủ tuyển thợ học việc ở khu vực của chúng tôi ngày càng khó khăn hơn”.

 

“Những đứa trẻ được học những giá trị của nền cộng hòa Pháp như bình đẳng trong trường học, nhưng chúng thấy trên thực tế đó chỉ là ảo tưởng”, bà Bouzar, mới được tạp chí Time coi là một trong 50 “Anh hùng châu Âu”, nhận xét. “Có một khoảng cách khổng lồ giữa lý thuyết và thực tiễn".

 

Theo những chàng trai ở Clichy-sous-Bois, không ở đâu khoảng cách này rõ hơn là trong cách cư xử của cảnh sát. “Họ suốt ngày kiểm tra giấy tờ của chúng tôi ở khắp mọi nơi, mọi lúc, chả vì lý do nào hết”, một thanh niên ở Clichy tâm sự. “Và việc kiểm tra ngày càng thô bạo hơn”.

 

Bà Bouzar cho rằng những điều này đã khiến cho “nhà nước mất đi tính hợp pháp” trong mắt những người trẻ tuổi. Điều này giúp giải thích tại sao những nhân vật tượng trưng cho quyền lực như lính cứu hỏa và bác sĩ lại bị ném đá trong những đêm vừa qua, cho dù họ tìm cách – dưới sự bảo vệ của cảnh sát – cứu tính mạng và tài sản.

 

Taib Ben Thabet, tham gia các dự án phía bắc Paris 35 năm qua, lo ngại sự phân biệt đối xử sẽ tổn hại đến những nỗ lực của ông giúp các bạn trẻ tìm được chỗ đứng trong xã hội. “Tôi đã dạy các em rằng nhà nước là để cho tất cả mọi người và đối xử với mọi người như nhau. Nhưng liệu còn ai tin tôi nữa không, khi những gì tôi nói đều bị thực tiễn phản bác? Bọn trẻ cho rằng đó là những lời dối trá”.

 

Thabet rất tức giận khi Bộ trưởng Nội vụ Sarkozy gọi những thanh niên là “cặn bã” và “tuyên chiến không thương xót” với họ. “Chúng ta đang tiếp sức cho những kẻ Hồi giáo cực đoan”, ông bình luận. “Khi những đứa trẻ nghe ông bộ trưởng gọi mình là cặn bã, những kẻ kia sẽ lợi dụng sự phẫn nộ của chúng”.

 

Còn Cheb Sun cảnh báo. “Xã hội đã tạo ra các khu vực biệt lập này và giờ đây chúng ta phải đối mặt với chúng”.

 

Theo M.C.

Vnexpress/Christian Science Monitor

Dòng sự kiện: Youths Riot in Paris Suburds