1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Anh: Mỹ nghe lén 35 nhà lãnh đạo thế giới

(Dân trí) - Ngày 24/10, tờ The Guardian của Anh đưa tin tình báo Mỹ đã nghe lén các cuộc nói chuyện điện thoại của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới sau khi được giới chức Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp số điện thoại.

Báo Anh: Mỹ nghe lén 35 nhà lãnh đạo thế giới

NSA bị cáo buộc theo dõi hàng chục nhà lãnh đạo trên thế giới, kể cả của các nước đồng minh truyền thống ở châu Âu.

Một tài liệu mật do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành "khách hàng" của chính phủ Mỹ để có được số điện thoại của các chính trị gia nước ngoài hàng đầu.

Theo tài liệu, một quan chức Mỹ đã cung cấp hơn 200 số điện thoại, trong đó có cả số điện thoại của những nhà lãnh đạo trên thế giới, để NSA tiến hành do thám. Tuy nhiên, việc theo dõi này không được tiến hành thường xuyên mà chỉ theo định kỳ.

Tiết lộ mới nhất này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện phản ứng giận dữ về các cáo buộc rằng Mỹ đã nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel, theo dõi các thông tin liên lạc của các nhà lãnh đạo Brazil, Mexico và do thám hàng chục triệu tin nhắn cũng như thư điện tử của người dân Pháp.

Tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) về tăng cường việc làm và phát triển nền kinh tế số ở Brussel (Bỉ), bà Merkel tiếp tục lên án việc Mỹ đã do thám cả các đồng minh truyền thống ở châu Âu.

"Do thám bạn bè là điều không nên làm. Chúng ta cần lòng tin giữa các đối tác và lòng tin đó cần được tái thiết lập", Thủ tướng Đức phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU.

Sau đó, bà Merkel đã có cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande. Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo muốn thảo luận về "cách thức phối hợp phản ứng" trước các cáo buộc bị Mỹ nghe lén.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng thể hiện sự đoàn kết với Pháp và Đức trong vấn đề này.

"Chúng tôi muốn sự thật", Thủ tướng Italy Enrico Letta tuyên bố.

Trong khi đó, lãnh đạo Bỉ, Phần Lan, Malta và các nước khác nói với báo giới rằng Washington cần đưa ra lời giải thích và châu Âu cần có một lập trường chung để bảo vệ công dân của mình.

Hiện vẫn chưa rõ liệu giới lãnh đạo EU có thể hướng tới một lập trường chung để phản ứng lại vụ việc này hay không. Nhiều nước, đặc biệt là Tây Ban Nha hay Anh - quốc gia có liên hệ tình báo mật thiết với Mỹ - đều khẳng định việc do thám là vấn đề lợi ích quốc gia nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của EU.

Vũ Anh
Theo AFP