1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bakhmut từ "thành phố hoa hồng" đến "địa ngục trần gian"

Thanh Thành

(Dân trí) - Thành phố Bakhmut từng nổi tiếng với sản phẩm rượu vang và "Hẻm hoa hồng" nhưng giờ đây bị xem là "địa ngục trần gian", nơi xảy ra trận chiến dài nhất và khốc liệt nhất trong cuộc chiến Ukraine - Nga.

Bakhmut từ thành phố hoa hồng đến địa ngục trần gian - 1

Bakhmut là tâm điểm của cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine kể từ mùa hè năm 2022, khiến phần lớn thành phố trở thành đống đổ nát (Ảnh: AFP).

Bộ Quốc phòng Nga hôm 20/5 thông báo các lực lượng nước này đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Bakhmut trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"Ở hướng Bakhmut, các nhóm tấn công của công ty quân sự tư nhân Wagner với sự hỗ trợ của pháo binh và không quân của lực lượng tác chiến phía nam đã hoàn thành việc kiểm soát thành phố Bakhmut", Bộ Quốc phòng Nga thông tin.

Tuy nhiên, trong tuyên bố vào ngày 21/5,  Tổng thống Volodymyr Zelensky bác bỏ thông tin này, đồng thời khẳng định binh lính Ukraine vẫn chiến đấu ở Bakhmut.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu. Tôi hiểu rõ những gì đang xảy ra ở Bakhmut... Chỉ một thời gian nữa chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Hôm nay những người lính của chúng tôi vẫn ở Bakhmut. Tôi sẽ không chia sẻ các địa điểm cụ thể", Tổng thống Zelensky nói trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản hôm 21/5.

Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định, "tính đến hôm nay, Nga chưa kiểm soát Bakhmut".

Dân số còn ở lại rất ít

Bakhmut xưa và nay là hai bức tranh hoàn toàn đối lập. Thành phố có khoảng 72.000 dân trước khi chiến tranh bùng nổ. Thành phố này bắc qua sông Bakhmutka ở vùng Donetsk, một trong bốn vùng của Ukraine mà Nga tuyên bố đã sáp nhập vào năm 2022. Nằm ở phía dưới sâu cùng của một thung lũng, thành phố này đặc biệt khó phòng thủ trước các cuộc tấn công.

Từng là một trung tâm đường sắt quan trọng trong khu vực nổi tiếng về khai thác muối, thành phố công nghiệp Bakhmut đã trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine kể từ mùa hè năm 2022 khiến phần lớn nơi này trở thành đống đổ nát.

Các binh sĩ Ukraine bảo vệ thành trì quan trọng này đã định nghĩa trận chiến ở đây là "địa ngục trần gian" hay gọi nó là "Verdun" mới (Verdun là trận chiến dài nhất trong Thế chiến I). Bakhmut của hiện tại được xem là "địa ngục trần gian", nơi từng xảy ra trận chiến dài nhất trong cuộc chiến của Nga.

Vào tháng 3, các quan chức địa phương ước tính dân số còn lại chỉ là 3.000 người. Nhiều nguồn tin cho rằng, số dân còn ở lại đến hiện nay là rất ít.

Thành phố này cũng nổi tiếng với loại rượu vang sủi bọt ngon đặc biệt, sản phẩm hiện đã được chuyển đến vùng Odessa. Đó là rượu vang Artemovsk, có từ năm 1924, được đặt theo tên nhà cách mạng Liên Xô có biệt danh Artem.

Vì vậy, nơi đây từng được mệnh danh là "thành phố của rượu vang và hoa hồng". Một con phố có biệt danh là "Hẻm hoa hồng" đã phá kỷ lục của Ukraine khi có khoảng 5.000 bông hồng cùng nở dọc con hẻm.

Trong nhiều tháng qua, chỉ còn lại một con đường duy nhất có thể kết nối giữa đơn vị Ukraine đang trấn giữ ở phía tây thành phố với các lực lượng còn lại của họ. Rải rác quanh nó là những phương tiện bị cháy rụi, con đường này đã được các binh sĩ Ukraine đặt cho biệt danh là "Con đường sự sống".

Tầm quan trọng chiến lược

Khi cuộc xung đột giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai bùng nổ vào năm 2014, các nhóm nổi dậy đã cố gắng chiếm Bakhmut nhưng bị quân đội Ukraine đẩy lùi vào tháng 7 năm đó.

Trong khi một số chuyên gia đặt câu hỏi về tầm quan trọng chiến lược của Bakhmut, Tổng thống Zelensky hồi tháng 3 nói rằng, khi chiếm được thành phố này, quân đội Nga sẽ có "con đường rộng mở" tấn công các thành phố Sloviansk và Kramatorsk.

Khi các nhà báo của hãng tin AFP đến thăm thành phố vào tháng trước, họ đã nhìn thấy những tòa nhà đầy vết đạn pháo với sân rải rác kim loại xoắn từ các sân chơi bị đánh bom, mảnh kính và cây thánh giá tạm trên những ngôi mộ của thường dân được chôn cất vội vàng.

Một số người dân, thường là những người lớn tuổi, đã từ chối rời đi, mặc dù họ phải sống trong các tầng hầm không có nước hoặc điện.

Theo Strait Times, AFP